Hiểu sai cách tính lệ phí trước bạ nhà đất năm 2020

Sự việc này khiến hơn 100 hồ sơ nộp lệ phí trước bạ nhà đất của người dân bị “kẹt’ ở Chi cục Thuế Q.8 (Tp.HCM).

Tp.HCM: Hiểu sai cách tính lệ phí trước bạ nhà đất | ảnh 1

Ông Nguyễn Hữu Sang phản ảnh ông mới mua căn nhà ở Q. 8 và đã công chứng hợp đồng mua bán xong, nhưng khi làm thủ tục đóng lệ phí trước bạ tại Chi cục Thuế Q.8 thì nơi này chưa cho đóng. Lý do cán bộ thuế đưa ra là phải chờ Cục Thuế Tp.HCM hướng dẫn về giá đất tính lệ phí trước bạ vì hiện nay Chi cục Thuế Q.8 không biết áp giá đất do Nhà nước quy định hay áp giá theo hợp đồng mua bán.

Cán bộ thuế còn nói nếu ông Sang muốn đóng lệ phí trước bạ nhanh thì phải làm cam kết đóng 0,5% giá nhà ghi trong hợp đồng mua bán. Trong khi đó, ông Sang cũng làm thủ tục đóng lệ phí trước bạ ở Q.5 thì Chi cục Thuế Q.5 đã tính lệ phí trước bạ theo giá đất do TP quy định.

Ông Vũ Văn Hoàng, chi cục trưởng Chi cục Thuế Q.8, xác nhận cách làm của Chi cục Thuế này đúng như ông Sang phản ảnh. Ông Hoàng giải thích: văn bản 1980 ngày 16/2/2012 của Bộ Tài chính quy định giá đất để tính lệ phí trước bạ do UBND cấp tỉnh quy định, nhưng nếu giá mua bán trên hợp đồng cao hơn giá đất do UBND cấp tỉnh quy định thì Cục Thuế phải có ý kiến báo cáo để UBND tỉnh bổ sung, sửa đổi cho phù hợp.

Trong thực tế giá mua bán nhà, đất của người dân ghi trong hợp đồng mua bán cao hơn giá quy định của TP nhiều lần nên Chi cục Thuế Q.8 phải báo cáo với Cục Thuế TP. Đến nay Cục Thuế TP chưa có văn bản hướng dẫn nên Chi cục Thuế Q.8 không biết áp dụng giá đất nào để tính lệ phí trước bạ. Do nhiều người dân muốn đóng lệ phí trước bạ nhanh nên Chi cục Thuế Q.8 vận dụng các quy định của pháp luật yêu cầu người dân cam kết đóng mức 0,5% giá ghi trong hợp đồng mua, bán. Nếu sau này, UBND TP quyết định vẫn áp dụng bảng giá đất để tính lệ phí trước bạ thì chi cục sẽ hoàn tiền cho người dân. Theo ông Hoàng, hiện có trên 100 hồ sơ nộp lệ phí trước bạ của người dân bị ách tại Chi cục Thuế Q.8.

Trong khi đó, các chi cục thuế tại các quận: 2, 5, Thủ Đức, Gò Vấp… vẫn áp dụng bảng giá đất do UBND TP ban hành để tính lệ phí trước bạ.

Theo ông Nguyễn Cao Mỹ, phó phòng tổng hợp – nghiệp vụ – dự toán, Cục Thuế TP: “Cách làm của Chi cục Thuế Q.8 chưa phù hợp quy định hiện hành”. Ông Mỹ giải thích: thông tư 124 hướng dẫn nghị định 45 của Chính phủ (năm 2011) về lệ phí trước bạ quy định: các cơ quan chức năng tham mưu cho UBND cấp tỉnh xây dựng bảng giá đóng lệ phí trước bạ. UBND TP đã quyết định lấy bảng giá đất ban hành hằng năm làm bảng giá để tính lệ phí trước bạ nhà đất.

Về nội dung công văn 1980 của Bộ Tài chính yêu cầu các cơ quan thừa hành báo cáo với UBND TP nếu như có trường hợp giá mua bán nhà đất thực tế cao hơn giá tính lệ phí trước bạ, ông Mỹ cho rằng: “Công văn trên chỉ yêu cầu báo cáo chứ không nói là phải ngừng thu, hay thu theo giá thị trường hay giá ghi trên hợp đồng”. Xung quanh thắc mắc của Chi cục Thuế Q.8, ông Mỹ cho rằng Cục Thuế TP phải báo cáo với UBND TP để TP quyết định chứ Cục Thuế TP không được giao nhiệm vụ hướng dẫn các chi cục thuế. Trong khi chờ quyết định của UBND TP, các chi cục thuế vẫn phải tính lệ phí trước bạ bằng 0,5% giá đất do UBND TP ban hành.

Trước đây lệ phí trước bạ nhà đất được tính bằng 0,5% giá nhà, đất mua bán trên thực tế (tức giá ghi trong hợp đồng mua, bán đã được công chứng). Trường hợp giá thực tế thấp hơn so với giá do UBND TP ban hành thì áp giá do UBND TP ban hành để tính lệ phí trước bạ.

Tháng 6/2011, nghị định 45 về lệ phí trước bạ ra đời và sau đó là thông tư 124 hướng dẫn nghị định 45 quy định giá đất tính lệ phí trước bạ do UBND cấp tỉnh quyết định, không kể giá mua bán thực tế cao hơn hay thấp hơn giá này.

(Theo TTO)