Quy định về quản lý mốc giới theo quy hoạch đô thị năm 2020

Vừa qua, UBND Hà Nội đã có quyết định quy định về việc cắm mốc giới, quản lý mốc giới theo quy hoạch đô thị trên địa bàn TP. Hà Nội.

Cụ thể, về nguyên tắc, đối với quy hoạch phân khu đô thị, quy hoạch chung đô thị căn cứ vào các đồ án quy hoạch được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, Sở Quy hoạch – Kiến trúc (theo quy định tại Khoản 1, Điều 6 của quy định này) sẽ có trách nhiệm lập kế hoạch cắm mốc giới, trình UBND thành phố ban hành, làm cơ sở để các đơn vị liên quan triển khai việc cắm mốc giới theo các đồ án quy hoạch phân khu, quy hoạch chung đô thị.

Về quy hoạch chi tiết đô thị, ngay sau khi đồ án quy hoạch được cấp thẩm quyền phê duyệt, công tác lập, phê duyệt nhiệm vụ, thẩm định, hồ sơ cắm mốc giới và cắm mốc giới ngoải thực địa sẽ được triển khai.

Công tác thực hiện cắm mốc giới các tuyến công trình hạ tầng kỹ thuật, tuyến đường theo hồ sơ Chỉ giới đường đỏ đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt là một nội dung triển khai cắm mốc giới theo quy định của Luật Quy hoạch đô thị và Thông tư số 15/2010/TT-BXD ngày 27/8/2010 của Bộ Xây dựng quy định về việc cắm mốc giới và quản lý mốc giới theo quy hoạch đô thị (gọi tắt là Thông tư số 15/2010/TT- BXD). Sẽ cắm bổ sung mốc giới quy hoạch của các đường ngang và các loại mốc giới còn thiếu… sau khi có đồ án quy hoạch chi tiết hai bên tuyến đường hoặc các quy hoạch chi tiết của khu vực có liên quan đã được phê duyệt.



quản lý mộc giới
UBND TP. Hà Nội quy định về quản lý mốc giới theo quy hoạch đô thị

(Ảnh minh họa)

Đối với tỷ lệ bản đồ phục vụ công tác lập hồ sơ cắm mốc, quyết định nêu rõ, khu vực đô thị trung tâm, hồ sơ cắm mốc giới các đồ án quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết, quy hoạch phân khu được lập trên bản đồ tỷ lệ 1/500.

Về đô thị vệ tinh, đô thị mới, thị trấn, thị trấn sinh thái hồ sơ cắm mốc giới các đồ án quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết, quy hoạch phân khu được lập trên bản đồ tỷ lệ tỷ lệ 1/500 hoặc 1/2000 đối với các khu vực có đồ án quy hoạch chi tiết, dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật, các tuyến đường, khu vực phức tạp cần độ chính xác cao.

Quyết định quy định, nghiêm cấm việc di dời, làm biến dạng mốc, phá hủy mốc, lợi dụng cột mốc để làm điểm tựa, gây vật cản làm che chắn mốc giới hoặc sử dụng vào mục đích cá nhân.

Theo đó, UBND cấp huyện sẽ chịu nhiệm vụ quản lý các mốc giới quy hoạch nằm trong phạm vi địa giới hành chính của mình quản lý.

UBND cấp xã có nhiệm vụ bảo vệ mốc giới ngoài thực địa, tổ chức vận động, tuyên truyền nhân dân tham gia quản lý, bảo vệ mốc giới tại địa phương. Trường hợp mốc giới bị hư hỏng, xê dịch phải kịp thời báo cáo bằng văn bản gửi về UBND cấp huyện. Từ đó, UBND cấp huyện tổng hợp các trường hợp thuộc thẩm quyền phê duyệt của UBND TP. Hà Nội báo cáo bằng văn bản về Sở Tài nguyên và Môi trường để đưa ra kế hoạch khôi phục lại.

Cơ quan quản lý quy hoạch đô thị, đất đai các cấp hàng năm có trách nhiệm tổ chức kiểm tra việc quản lý hồ sơ cắm mốc giới, mốc giới đã giao địa phương quản lý theo đúng quy định.

Các cá nhân, tổ chức phát hiện vi phạm trong công tác quản lý mốc giới và cắm mốc giới theo quy hoạch đô thị phản ánh về UBND thành phố, UBND cấp huyện, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Quy hoạch – Kiến trúc, theo thẩm quyền để xử lý vi phạm đã quy định.

Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Quy hoạch – Kiến trúc, có trách nhiệm thanh tra việc chấp hành pháp luật về quản lý mốc giới, cắm mốc giới theo quy định.

Cá nhân, tổ chức vi phạm các quy định về quản lý mốc giới vaf cắm mốc giới theo quy hoạch đô thị tùy theo mức độ sẽ bị xử phạt theo quy định pháp luật hiện hành.