Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM (HoREA) đã chỉ ra 6 kiểu đánh thuế tài sản trên thế giới (nhắm đến căn nhà thứ hai trở đi) mà Việt Nam có thể cân nhắc tham khảo.
Tại Mỹ, việc đánh thuế bất động sản (BĐS) do các tiểu bang quy định, mỗi tiểu bang có thuế suất khác nhau. Chẳng hạn, tại bang California, thuế suất là hơn 1,2% giá trị BĐS một năm, gồm nhà và đất. Ở Bang Texas, thuế suất là hơn 4%. Sở dĩ, thuế suất ở các bang tại Mỹ khác nhau là do giá trị BĐS ở các bang khác nhau.
Tại Đài Loan, mức thuế lại phân biệt theo từng phân khúc BĐS như áp dụng mức thuế 1,2-2% đối với nhà chung cư; khoảng 1,4% đối với nhà riêng và 3-5% đối với công trình thương mại.
Tại Hàn Quốc, mức thuế được áp dụng khác nhau đối với các dòng sản phẩm BĐS, cụ thể đánh thuế 0,15-0,5% đối với nhà riêng; đối với nhà chung cư là 0,25%; đối với biệt thự, nhà trong khu sân golf, các khu vui chơi giải trí là 4%; đối với nhà tại các khu đô thị lớn là 5%. Mức thuế được tính trên bảng giá đất do địa phương ban hành.
Tại Singapore, mức đánh thuế BĐS thứ 2 rất cao, thuế tài sản phụ trội áp dụng từ năm 2013 trên BĐS thứ 2 lên đến 7% trên giá mua nhà và 10% đối với BĐS thứ 3.
Tại Nhật Bản, mức thuế BĐS từ 1,4% – 2,1% trên giá trị cả nhà và đất tính theo giá thị trường và được điều chỉnh 3 năm một lần.
Theo các chuyên gia, cần thận trọng nghiên cứu và tham khảo các đánh thuế tài sản ở
nhiều nước trước khi áp dụng việc đánh thuế căn nhà thứ hai. Ảnh: Vũ Lê
Tại Anh, nước này vừa áp dụng đánh thuế tài sản phụ trội lên BĐS thứ 2 kể từ ngày 1/4/2016. Theo đó, đối với BĐS thứ 2 có giá trên 40.000 bảng, người mua phải nộp thêm 3% so với mức thuế thông thường. Nhà có giá trên 1,5 triệu bảng thì mức thuế lên tới 15%. Tuy nhiên, nếu bán nhà cũ trong vòng 3 năm kể từ khi mua nhà thứ 2 thì lại được hoàn trả thuế đã nộp.
Trong khi đó, theo đánh giá của Jones Lang LaSalle (JLL), cái khó ở Việt Nam được chỉ ra lúc này là làm thế nào để xác định được căn nhà thứ hai để đánh thuế. Chẳng hạn, trường hợp gia đình đông người, hay trường hợp cố tình lách luật bằng cách để nhiều thành viên trong gia đình đứng tên thay vì một người.
Theo JLL, cần phải nghiên cứu khá kỹ lưỡng về vấn đề này. Việt Nam có thể tham khảo theo mô hình của Singapore, bằng mức thuế cơ bản hiện hành và mức thuế tăng thêm dựa trên mức thuế hiện hành. Hoặc như Anh, với những BĐS dưới 250.000 USD không cần phải đóng thuế, còn trên 250.000 – 500.000 USD thì áp dụng mức thuế khác nhau.
Thực tế, có rất nhiều phương án cho điều luật này. Đối với Việt Nam, có thể áp dụng một mức thuế ngang nhau tương tự như trường hợp thứ nhất là 3%. JLL đánh giá, những điều luật mới cần phải có sự tham gia của các cấp chính quyền và các sở ban ngành liên quan. Đồng thời, cơ quan chức năng cũng cần lấy ý kiến các công ty nghiên cứu thị trường BĐS chuyên nghiệp để có thể xây dựng một hệ thống phù hợp có thể áp dụng vào thực tiễn.
Đơn vị này cho rằng, hiện các thủ tục mua bán BĐS vẫn phải thực hiện trên hệ thống văn bản (thủ công bằng tay là chính), việc áp dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực BĐS tại Việt Nam vẫn còn rất hạn chế. Vì vậy, nếu khách hàng, nhà đầu tư mua một BĐS khác (sở hữu căn nhà thứ hai trở lên) ở Việt Nam, làm thế nào để cơ quan quản lý giám sát được việc này vẫn là còn câu hỏi còn bỏ ngỏ. Khó khăn trước mắt là mất nhiều thời gian nếu như không có sự trợ giúp của hệ thống công nghệ thông tin.
JLL dự báo rằng, để thực hiện việc này hiệu quả trong toàn bộ hệ thống thì Việt Nam cần phải thiết lập một hệ thống thông tin để lưu trữ tất cả các hồ sơ về các giao dịch BĐS, các chủ sỡ hữu BĐS. Song, sẽ vẫn còn thách thức khi các thành viên trong gia đình có thể thay phiên sở hữu BĐS nhằm tránh thuế.