Bài toán tạo quỹ đất sạch, thu hút đầu tư tại Cần Thơ năm 2020

Hội thảo “Thực trạng cơ chế tạo quỹ đất sạch thu hút đầu từ trên địa bàn TP. Cần Thơ – thành tựu và hạn chế” vừa được tổ chức để xác định những thuận lợi, khó khăn và giải pháp về chính sách tạo quỹ đất sạch để thu hút đầu tư trên địa bàn.

Theo Viện Kinh tế – xã hội TP. Cần Thơ, tại ĐBSCL, TP. Cần Thơ xếp thứ nhất về số doanh nghiệp hoạt động và đứng thứ 4 về thu hút FDI. Nhưng nếu so với các thành phố trực thuộc Trung ương, lực thu hút đầu tư cả TP. Cần Thơ vẫn còn hạn chế. Từ năm 2005 đến nay, Cần Thơ đã đầu tư tạo quỹ đất sạch khu đô thị hai bên đường Nguyễn Văn Cừ với quy mô 150ha, tổng mức đầu tư 349 tỷ đồng, nộp ngân sách khoảng 660 tỷ đồng lợi nhuận.

Thành phố cũng đang lập Đề án khai thác quỹ đất giai đoạn 2017-2021 với hai khu đất có tổng diện tích 267,5ha, vốn đầu tư 3.350 tỷ đồng.

khai thác quỹ đất
Khu đô thị mới Võ Văn Kiệt nằm trong đề án khai thác quỹ đất của TP. Cần Thơ

Khi tạo quỹ đất sạch và thu hút đầu tư, vấn đề nảy sinh là việc thiếu vốn và sự thiếu vắng các nhà đầu tư. Để tránh tình trạng bỏ hoang đất sạch và gánh lãi vay khi chưa có nhà đầu tư, chỉ tạo quỹ đất sạch khi đã có nhà đầu tư. Nhưng bất cập hiện nay là có một số quy hoạch bị “treo” trong một thời gian dài do không có nhà đầu tư.

Trước vấn đề này, thành phố cần rà soát lại các quy hoạch “treo” và cho chuyển mục đích với những khu vực không khả thi và chọn các khu đất vàng đủ sức hấp dẫn nhà đầu tư, làm sạch khu đất (có thể bằng cách vay vốn) và đấu giá. Khi đấu giá công khai, lợi nhuận thu được sẽ tăng, thành phố sẽ dùng số tiền chênh lệch giữa khá khởi điểm và giá thu về để tạo quỹ đất sạch khác.

Trong khi đó, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT, GS. TS Đặng Hùng Võ cho rằng, hầu hết các địa phương đều tồn tại vấn đề trên. Theo ông Võ, khi tạo nguồn đất sạch, thách thức lớn nhất của các địa phương là bài toán quy hoạch thiếu chuyên nghiệp, còn mang lợi ích nhóm. Ở nhiều nước, chỉ cần đưa ra bảng quy hoạch là đã thu hút nhà đầu tư và đủ chi phí để GPMB. Còn tại Việt Nam, đất sạch chủ yếu được tạo ra theo cơ chế Nhà nước thu hồi và bồi thường GPMB trước khi nhà đầu tư tham gia. Nhiều quỹ đất sạch bị bỏ hoang vì không tìm được nhà đầu tư, gây lãng phí. Đơn vị quản lý nguồn đất công cũng không đủ năng lực để quản lý một lượng đất quá lớn.

quản lý đất đai
GS. TS Đặng Hùng Võ trình bày tham luận tại hội thảo

Trước những tồn tại trên, ông Võ nêu giải pháp là đưa ra kịch bản phát triển trong Quy hoạch đô thị và quy hoạch sử dụng đất để đẩy giá trị đất tăng lên. Khi đó, nhiều nhà đầu tư sẽ quan tâm hơn. Tổ chức phát triển quỹ đất cần nâng cao năng lực và chuyển sang hình thức là một doanh nghiệp Nhà nước chịu trách nhiệm quản lý trực tiếp toàn bộ đất công. Các nhà đầu tư sẽ được các cơ quan quản lý cấp cho giấy chứng nhận quyền phát triển đất để tạo vốn thực hiện quy hoạch. Giấy chứng nhận này được coi là giấy tờ có giá và được giao dịch trên thị trường.