Bất cập, vướng mắc trong quản lý nhà chung cư năm 2020

Là địa phương có số lượng nhà chung cư nhiều nhất cả nước, Tp.HCM đang nổi lên nhiều vấn đề thiếu thống nhất, vướng mắc trong quản lý nhà chung cư. Do quy định của pháp luật còn hạn chế nên việc xử lý các tranh chấp, khiếu kiện rất khó khăn.

Kết quả công tác rà soát, kiểm tra các nhà chung cư trên địa bàn của Sở Xây dựng Tp.HCM gần đây cho thấy, hiện đang còn rất nhiều tồn tại. Các tranh chấp, xung đột phổ biến nhất hiện nay là việc chậm bàn giao kinh phí bảo trì 2%; tranh chấp về diện tích sở hữu chung, riêng; sử dụng kinh phí quản lý vận hành nhà chung cư;… Chẳng hạn, chung cư Bình Minh (phường Hiệp Phú, quận 9), dù đã hoàn thành và đưa vào sử dụng từ năm 2007 nhưng đến nay chủ đầu tư vẫn chưa bàn giao kinh phí bảo trì và phần diện tích sử dụng chung cho Ban quản trị tòa nhà. Bên cạnh đó, giữa Ban quản trị và chủ đầu tư của chung cư này hiện còn tranh chấp về quyền sở hữu tại tầng 1 và tầng 16.



quản lý chung cư
 Tp.HCM đang nổi lên nhiều vấn đề thiếu thống nhất, vướng mắc trong quản lý nhà chung cư

Hay mới đây, Ban quản trị của 12 chung cư đã gửi đơn khiếu nại lên các cơ quan chức năng tố chủ đầu tư cố tình chây ỳ không bàn giao kinh phí bảo trì 2% phần sở hữu chung nhà chung cư. Liên quan đến đơn khiếu nại về việc chậm bàn giao kinh phí bảo trì của 12 chung cư, Sở Xây dựng Tp.HCM cho biết, Sở sẽ lập kế hoạch làm việc với các chủ đầu tư và Ban quản trị để thống nhất về số liệu, phương thức và thời gian bàn giao kinh phí bảo trì. Trong trường hợp cần thiết, Sở Xây dựng sẽ kiến nghị UBND thành phố ra quyết định cưỡng chế thu hồi kinh phí bảo trì 2% và bàn giao cho Ban quản trị.

Tp.HCM là địa phương có số lượng chung cư nhiều nhất cả nước, nhưng vai trò của các chủ đầu tư, đơn vị quản lý vận hành, Ban quản trị và ý thức trách nhiệm của cư dân ở nhiều chung cư chưa theo kịp được sự phát triển của thực tế. Đa số các mâu thuẫn, xung đột xuất phát từ lợi ích cục bộ chưa được các chủ thể dung hòa. Đặc biệt, vai trò quản lý nhà nước, mà cụ thể là UBND cấp quận, huyện, phường, xã, thị trấn chưa được phát huy, mặc dù đã được phân cấp, quy định rõ trách nhiệm.

Để công tác quản lý, sử dụng nhà chung cư đi vào nền nếp, ông Đỗ Phi Hùng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Tp.HCM cho rằng, nguyên tắc giải quyết các tranh chấp sở hữu chung và riêng, đầu tiên phải do chủ đầu tư và Ban quản trị hoặc chủ sở hữu nhà chung cư tự thỏa thuận với nhau. Nếu các bên không thương lượng được thì cơ quan giải quyết là tòa án chứ không phải Sở Xây dựng. Còn tranh chấp liên quan đến kinh phí bảo trì, kinh phí quản lý vận hành nhà chung cư cũng theo nguyên tắc các bên tự thỏa thuận, nếu thỏa thuận không có kết quả thì UBND cấp tỉnh chủ trì giải quyết. Các tranh chấp trong nội bộ sẽ do Ban quản trị tự giải quyết theo quy chế hoạt động. Nếu có dấu hiệu vi phạm quy định về tài chính sẽ do Hội nghị nhà chung cư quyết định phương thức xử lý…

Giám đốc Sở Xây dựng Tp.HCM Trần Trọng Tuấn cho biết, Sở sẽ tham mưu UBND thành phố kiến nghị Chính phủ ban hành quy định chế tài xử lý đối với hành vi vi phạm của chủ đầu tư, đơn vị quản lý vận hành, Ban quản trị và cư dân trong công tác quản lý, vận hành nhà chung cư. Đồng thời, kiến nghị Bộ Xây dựng sớm điều chỉnh, bổ sung Quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư cho phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.