Thời gian gần đây, tại Tp.HCM có một số trường hợp UBND quận – huyện đột ngột ra quyết định thu hồi giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà (QSHN) hoặc giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ) do chính mình đã cấp cho dân từ nhiều năm trước.
Khi thu hồi, chính quyền địa phương lại không nêu rõ nguyên do và hướng giải quyết, khiến nhiều người bị thiệt hại rất bức xúc, khiếu nại.Bỗng dưng thu hồi
Các căn hộ số 12, 12 bis (lầu 1) và 14 bis (lầu 1) đường Cô Giang, phường Cầu Ông Lãnh, quận 1, Tp.HCM có kết cấu chung từ một tòa nhà do ông Ngô Kim Minh sở hữu. Tháng 4/1981, ông Minh sang nhượng lại cho vợ chồng ông Hồng Tòng Nam căn hộ số 12, diện tích 100m². Hai căn hộ còn lại trước đây đi lại qua căn hộ số 12, nay hộ ông Nam xây tường, tách biệt ra, lối đi chung không còn nên ông Minh lắp đặt một cầu thang sắt ở góc căn hộ số 12 (được hộ ông Nam đồng ý), diện tích khoảng 2,5m² để đi nhờ ra hẻm 16/12 Cô Giang. Khi ông Minh mất, cháu là ông Ngô Thành Cát vào ở vẫn sử dụng cầu thang này.
Ngày 9/7/2007, UBND quận 1 cấp giấy chứng nhận QSHN và QSDĐ cho vợ chồng ông Hồng Tòng Nam, bản vẽ nhà đất thể hiện cả phần diện tích cầu thang. Thế nhưng ngày 15/8/2011 UBND quận 1 lại ra quyết định thu hồi, hủy bỏ giấy chứng nhận QSHN và QSDĐ đối với căn hộ của ông Nam. Nguồn gốc sử dụng, tính pháp lý của căn nhà đều hợp pháp, nhà đất không có tranh chấp, khi ở luôn đóng thuế đúng quy định, quận đã cấp giấy chứng nhận QSHN và QSDĐ, nay thu hồi nhưng không có thông báo, văn bản cho biết vì sao khiến gia đình ông rất bất an.
Tương tự, tháng 7/2009, ông Nguyễn Thanh Bình mua lại phần đất 143m² tại phường Thạnh Xuân, quận 12 của bà Đào Thị Ngọc Lan, có giấy chứng nhận QSDĐ do UBND quận 12 cấp ngày 20/10/2009. Ngày 24/11/2009 Văn phòng Đăng ký QSDĐ quận 12 đã cấp đăng ký thay đổi chủ sử dụng cho vợ chồng ông Bình.
Thật bất ngờ, ngày 13/9/2011 UBND quận 12 lại có thông báo gửi các cơ quan liên quan, yêu cầu ngưng giải quyết các thủ tục chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, thừa kế, cấp phép xây dựng… đối với phần đất do vợ chồng ông Bình sở hữu. Mua đất hợp pháp, đất được cấp giấy chứng nhận QSDĐ nay không được xây nhà, ông Bình gửi đơn khiếu nại, yêu cầu quận 12 cho biết lý do và sớm có hướng giải quyết.
Tuy nhiên, ngày 16/11/2011 UBND quận 12 ra quyết định thu hồi giấy chứng nhận QSDĐ. Đến nay vợ chồng ông Bình vẫn chưa biết lý do bị thu hồi, hướng giải quyết của quận thế nào.
Quận làm sai, ai chịu trách nhiệm?
Ông Nguyễn Đăng Khoa, Trưởng phòng Tài nguyên – Môi trường (TN-MT) quận 1, cho rằng giấy chứng nhận QSHN và QSDĐ căn nhà 12 Cô Giang do UBND quận 1 cấp cho hộ ông Hồng Tòng Nam sai quy định, nay phải thu hồi. Lý do: Diện tích nhà trong giấy mua bán giữa ông Nam và ông Minh không trùng với diện tích trong giấy chủ quyền đã cấp; phần diện tích cầu thang ở góc sau nhà số 12 Cô Giang do ông Ngô Thành Cát sử dụng không phải của hộ ông Minh, do đó quận thu hồi giấy chủ quyền nhà này.
Nếu cho rằng giấy chủ quyền nhà số 12 bị quận cấp sai, cấp nhầm diện tích, sao quận không thu hồi ngay sau đó? Chỉ đến khi hộ ông Ngô Thành Cát xin hợp thức hóa nhà 12 bis (lầu 1) và 14 bis (lầu 1) vào giữa năm 2011 quận mới triển khai thu hồi. Liệu có mập mờ gì trong việc thu hồi giấy chủ quyền nhà số 12 và đồng ý cho hợp thức hóa nhà 12 bis (lầu 1), 14 bis (lầu 1)?
Về nguyên do thu hồi giấy chứng nhận QSDĐ của ông Nguyễn Thanh Bình, ông Thân Thế Hùng, Trưởng phòng TN-MT quận 12, cho biết phần đất 143m² của ông Nguyễn Thanh Bình có nguồn gốc từ ông Nguyễn Văn Tân. Năm 2007 ông Tân nhượng lại bằng giấy tay cho bà Đào Thị Ngọc Anh nên theo quy định (việc mua đất bằng giấy tay sau ngày 1/7/2004) bà Anh không được cấp giấy chứng nhận. Biết vậy, bà Anh làm lại giấy mua bán ghi lùi thời gian mua bán là năm 2001, sau đó cho con là Đào Thị Ngọc Lan.
Thanh tra của quận mới đây đã làm rõ điều này nên quận đã ra thông báo ngưng chuyển dịch, cấp phép xây dựng và đã có quyết định thu hồi giấy chứng nhận QSDĐ với căn nhà này. Ông Hùng khẳng định: “Về trách nhiệm của quận, cá nhân, đơn vị nào cấp giấy chứng nhận sai phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Ông Bình có thể khởi kiện ra tòa để được giải quyết quyền lợi của mình”.
Thực tế ở 2 trường hợp nêu trên cho thấy việc cấp giấy chứng nhận sai có trách nhiệm rất lớn của phường và quận, bởi khi cấp, các bộ phận chức năng đã không xác minh, thẩm tra làm rõ tính pháp lý của nhà đất. Sau nhiều năm, chính quyền lại hồi tố, khiến người mua nhà, đất hợp pháp phải gánh chịu hậu quả làm sai này, có khởi kiện ra tòa cũng không thể bù đắp được thiệt hại.
(Theo SGGP)