Trên địa bàn Cần Thơ đang có khoảng 100 khu dân cư tự phát, với tổng diện tích hơn 800.000 m2. Trong khi những khu dân cư này nằm “chờ hướng xử lý” thì nhu cầu đất ở của người dân thành phố vẫn không ngừng tăng, khiến “sốt đất” diễn ra ở nhiều nơi.
Chưa có định nghĩa khu dân cư tự phát
Rất nhiều bất cập của các khu dân cư tự phát ở các quận Bình Thủy, Ninh Kiều, Cái Răng… từng được các ngành chức năng TP. Cần Thơ chỉ ra thời gian qua. Trong đó, nhức nhối nhất là việc buông lỏng quản lý, cấp phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất, tách thửa sai quy định, xây nhà không phép, lấn chiếm kênh rạch… Vậy nhưng, đến nay vẫn chưa có một định nghĩa cụ thể nào về khu dân cư tự phát.
Theo thông tin do ông Đặng Văn Ngọt, Chánh Thanh tra quận Cái Răng cung cấp, hiện chưa có một văn bản pháp luật nào đưa ra khái niệm hay định nghĩa về “khu dân cư tự phát”. Đây chính là kẽ hở gây lúng túng cho công tác thanh tra.
“Để đảm bảo kế hoạch thanh tra rà soát, đề xuất hướng xử lý các khu dân cư tự phát, thanh tra quận đã “tạm hiểu” khu dân cư tự phát là các khu có từ 4 căn nhà trở lên đã được xây dựng nhưng không phù hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Tương tự, đối với các trường hợp có từ 1 đến 3 căn nhà sẽ được xem là khu dân cư có nguy cơ tự phát”, ông Ngọt thông tin.
Ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Thủy cũng cho biết, để có hướng xử lý, quận đã thống nhất chia các khu dân cư tự phát thành 4 nhóm. Trong đó, nhóm 1 gồm các trường hợp đã tách thửa, chưa xây dựng cơ sở hạ tầng; nhóm 2 là những trường hợp phù hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nhưng chưa có quy hoạch xây dựng chi tiết; nhóm 3 gồm những trường hợp không phù hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng; và nhóm 4 là những trường hợp có một phần đất ở, một phần cây lâu năm, chưa có quy hoạch xây dựng.
Một khu dân cư tự phát đang chờ giải quyết tại huyện Cái Răng, TP. Cần Thơ
Từ thực tế trên cho thấy, vì không có định nghĩa khu dân cư tự phát nên mỗi quận lại tự phân loại theo cách riêng, mỗi nơi một kiểu nên không thống nhất, đồng thời làm cho việc giải quyết các khu dân cư này càng khó khăn hơn và có nguy cơ kéo dài.
Chậm xử lý khu dân cư tự phát để lại nhiều hệ lụy
Đối với việc tạm ngưng chuyển đổi mục đích sử dụng đất, tạm đình chỉ xây dựng tại các khu dân cư tự phát, kể từ cuối tháng 5/2018 đến nay, 3 quận Bình Thủy, Ninh Kiều và Cái Răng đã thực hiện rất nghiêm túc chỉ đạo này. Điều này cũng có nghĩa là 3 quận trung tâm TP. Cần Thơ hiện đang có hơn 800.000 m2 đất bị “đóng băng”. Tình trạng này không thể giải quyết trong một sớm một chiều, khiến tài nguyên đất bị lãng phí rất lớn. Bên cạnh đó, việc các dự án bị “ngâm” cũng tác động nhiều đến thị trường bất động sản vốn có nhu cầu sử dụng đất rất lớn như Cần Thơ.
Thời gian gần đây, tại các khu dân cư trên địa bàn Cần Thơ diễn ra các giao dịch mua bán đất đai tự phát một cách rầm rộ. Tuy nhiên sau khi TP. Cần Thơ ban hành lệnh “đóng băng” tạm thời các khu dân cư này thì thị trường lại có xu hướng dịch chuyển sang đất nền dự án. Trong khi đó, trên địa bàn đang khan hiếm đất nền dự án, các dự án mới lại ít và ở giai đoạn đầu triển khai nên dẫn đến giá đất nóng sốt.
Đáng nói là đến nay, các đề xuất hướng xử lý khu dân cư tự phát trên địa bàn TP. Cần Thơ vẫn chỉ ở trạng thái “chờ”, gây ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân, cũng như diễn biến thị trường bất động sản. Đồng thời khiến những người có thu nhập thấp ngày càng khó có khả năng sở hữu chỗ ở…