Ngày 24/4, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội (QH) phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) đã tổ chức hội nghị trực tuyến lấy ý kiến các đoàn đại biểu (ĐB) QH về dự thảo Luật Đất đai sửa đổi.
Việc giao đất nông nghiệp để sử dụng vào mục đích khác trong dự thảo Luật Đất đai sửa đổi đã vấp phải sự phản đối của nhiều đại biểu Quốc hội.
Dễ nảy sinh tiêu cực
Tại hội nghị, theo dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, việc sử dụng đất nông nghiệp sẽ được quy định khắt khe hơn. Cụ thể, trường hợp giao đất, cho thuê đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng để sử dụng vào mục đích khác thì phải có văn bản chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ. Quy định này đã vấp phải sự phản đối của nhiều người.
|
Theo các đại biểu Quốc hội, Luật Đất đai cần tránh để người dân bị thiệt trong việc thu hồi đất cho các dự án kinh tế – xã hội |
Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Đồng Nai Lê Viết Hưng bày tỏ: “Quy định như dự luật là nếu sử dụng 1 m2 đất cũng phải xin ý kiến Thủ tướng sẽ dẫn đến nhiều rắc rối và phiền phức vì dự luật không quy định quy mô bao nhiêu phải xin ý kiến”. Đồng tình, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định Nguyễn Thanh Thúy lo lắng quy định “siết” này sẽ nảy sinh cơ chế “xin – cho” và có thể dẫn đến tiêu cực.
Ông Lê Mộng Điệp (Sở TN-MT Khánh Hòa) mổ xẻ: Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất lâu dài đã được Chính phủ phê duyệt. Nay theo quy định mới là khi chuyển đổi mục đích sử dụng phải xin phép Thủ tướng, mà nếu Thủ tướng không đồng ý thì khác nào đưa ra một quyết định trái với kế hoạch đã được duyệt?
Trước phản ứng của nhiều ĐB, Ban Soạn thảo dự luật giải trình: Trong quá trình đưa ra lấy ý kiến cũng đã nhận được nhiều quan điểm khác nhau về vấn đề này. Do vậy, ban soạn thảo dự kiến sẽ trình 2 phương án. Phương án 1, giữ nguyên như quy định trong dự thảo. Phương án 2, sẽ quy định cụ thể tiêu chí, quy mô và tính chất dự án phải được QH, Thủ tướng Chính phủ quyết định, chấp thuận chủ trương đầu tư.
Đừng đẩy dân vào đường cùng
Nhiều ý kiến đề nghị dự luật làm rõ hơn những vấn đề như thu hồi đất cho phát triển kinh tế – xã hội, thế nào là sử dụng đất không đúng mục đích, bảo đảm sinh kế của người dân, giá đền bù… Bà Nguyễn Thanh Thúy lo ngại: “Giá bồi thường thu hồi đất luôn thấp hơn giá thị trường đã dẫn đến nhiều bức xúc cho người bị thu hồi đất. Vì vậy, sửa luật phải đạt mục tiêu là người dân không thiệt thòi hơn khi bị thu hồi đất”.
ĐB Nguyễn Xuân Trường (Hải Phòng) đề nghị thu hồi đất phục vụ dự án kinh tế – xã hội nên áp dụng theo cơ chế “chủ đầu tư tự thỏa thuận mức bồi thường với dân”. Theo ĐB Trường, cách làm này sẽ hạn chế xung đột lợi ích giữa người bị thu hồi đất với chủ đầu tư.
Phó trưởng Đoàn ĐBQH TP Hải Phòng Trần Ngọc Vinh nhìn nhận: Mấu chốt của thu hồi đất gây nhiều bức xúc trong thời gian qua chính là do thiếu công khai, minh bạch. “Tiền đền bù thu hồi đất không đủ đáp ứng cuộc sống khiến người dân không có cơ hội chọn lựa kế sinh nhai thì chẳng khác nào đẩy họ vào đường cùng” – ông Vinh gay gắt.
“Những dự án kéo dài 30-40 năm ảnh hưởng rất lớn đến người dân. Quy hoạch là điều cần thiết nhưng cứ “treo” như vậy thì gây cực khổ cho người có đất” – ông Huỳnh Thành Lập, Trưởng Đoàn ĐBQH Tp.HCM, nhấn mạnh. Để ngăn chặn dự án “treo”, ông Huỳnh Thành Lập hiến kế: Buộc doanh nghiệp được giao đất phải ký quỹ, có ngân hàng bảo lãnh để chứng minh năng lực tài chính, hạn chế thấp nhất việc “ôm” đất rồi bỏ hoang, vừa làm khổ dân vừa gây lãng phí lớn như thời gian qua.
Nhiều ý kiến đề nghị thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) sau khi Hiến pháp được thông qua. Tuy nhiên, cơ quan soạn thảo đề nghị QH xem xét, thông qua dự án luật này ngay tại kỳ họp thứ 5 tới (tháng 5/2013).
Chỉ nên đưa ra phương pháp xác định giá đất Trước những bất cập về việc ban hành khung giá đất thời gian qua, ĐB Huỳnh Thành Lập đề nghị Chính phủ không ban hành khung giá đất mà chỉ ban hành phương pháp, nguyên tắc xác định giá đất và thực hiện việc kiểm tra, theo dõi, ban hành bảng giá của các tỉnh, TP để điều tiết giá đất của các khu vực giáp ranh. Khung giá của Chính phủ thời gian qua đã hạn chế việc ban hành giá đất của các địa phương, nhất là ở những nơi đô thị hóa nhanh. |