Chuyên gia nước ngoài khổ vì thuê nhà ở Việt Nam năm 2020

Theo thống kê, có hơn 150.000 người nước ngoài đến cư trú và đầu tư kinh doanh ở Việt Nam. Trong đó có rất nhiều người vẫn phải đi thuê nhà mặc dù đã có ý định làm ăn và gắn bó lâu dài. Điều đó cho thấy việc nhanh chóng nới chính sách cho người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam là vô cùng cần thiết.

“Chán” Việt Nam vì chính sách mua nhà nhiêu khê

Năm 2005, ông Richard J.Hebert, một người Canada đã quyết định đến Việt Nam để thực hiện dự án “phát âm chuẩn bằng tiếng Anh” cho người Việt, một dự án được triển khai hợp tác tại một số trường đại học trong nước.

Sau 2 năm thuê nhà hết khách sạn đến nhà trọ, ông ngán ngẩm cho biết: “Có vẻ như chủ các nhà trọ cho rằng người nước ngoài có nhiều tiền nên tiền thuê nhà tăng đến 2 lần trong một năm. Vì thế nên tôi quyết định mua nhà tại Q.2 để sống bởi ở đó có nhiều người nước ngoài và dịch vụ ổn.

cho người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam
Cho người nước ngoài mua nhà là một cách cần thiết để kích cầu kinh tế

Tuy nhiên, sau hơn 1 năm gặp lại, Richard cho biết đã từ bỏ ý định tìm nhà ở VN do thủ tục quá rườm rà.. Ông bộc bạch: “Tôi đã ở Việt Nam mấy năm nay, năm nào cũng ở ít nhất là 6 tháng để dạy học và thực hiện dự án tôi ấp ủ. Tôi muốn mua nhà nhưng luật quy định phức tạp quá, có lẽ, cách quản lý nhà ở của VN không giống ai”.

Sang đầu năm 2014, trước khi về Canada, ông đã chuyển nhà đến đường Phan Bội Châu (Q.Bình Thạnh) với giá thuê 1.200 USD/tháng. Richard nói: “Với tình trạng thay đổi chỗ ở liên tục như hiện nay, tôi sẽ đi Campuchia để sống. Tôi năm nay đã 70 tuổi và không muốn sống ở châu Á trong những năm cuối đời”.

Ông Nguyễn Trí Hiếu, một chuyên gia ngân hàng cho hay, ông là Việt kiều Mỹ và về nước mấy năm nay, ông rất mong mỏi chính sách mở để được sở hữu nhà trong nước vì đã quá mệt mỏi khi đi thuê nhà. Ông Hiếu cho rằng, thật quá vô lý khi người nước ngoài muốn đem tiền vào mua nhà thì lại gặp khó khăn trong khi nhà nước vẫn phải “vung” tiền ra để “giải cứu” thị trường đang đóng băng. “Nên có chính sách thoáng để thu hút kiều hối, tạo cơ hội để giải phóng hàng tồn kho BĐS, thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế”, ông Hiếu góp ý.

Lãnh đạo một quỹ đầu tư của Hàn Quốc đã ở VN mấy năm nay nhưng dù đã rất nỗ lực trong việc xúc tiến mua nhà nhưng thủ tục quá rắc rối buộc ông phải rơi vào tình trạng hết sức trớ trêu, thuê chính căn hộ do công ty mình đầu tư.

Tăng lượng cầu có khả năng thanh toán

Nhiều ý kiến của các chuyên gia kinh tế đều khẳng định, nới chính sách cho người nước ngoài sở hữu nhà tại VN là một cách tích cực, vừa tác động trực tiếp đến ngành BĐS, vừa có ý nghĩa chiến lược đối với nền kinh tế nói chung, đặc biệt là trong bối cảnh Việt Nam đang cần một lực đẩy mạnh để phát triển kinh tế.

Ông Nguyễn Ngọc Thành, Phó chủ tịch Hiệp hội BĐS VN, cho rằng nới chính sách cho người nước ngoài mua nhà sẽ mang lại nhiều lợi ích. Ông nói: “Nếu các nhà làm chính sách thay đổi quan niệm, khuyến khích phát triển thị trường địa ốc theo hướng này chính là xuất khẩu BĐS tại chỗ; sản phẩm vẫn nằm trên lãnh thổ Việt Nam nhưng vẫn thu được ngoại tệ nên lợi ích về kinh tế là rất lớn”.

Đặc biệt, sự thay đổi chính sách sẽ tác động lớn đến phân khúc BĐS cao cấp, điều này lại càng thuận lợi cho thị trường bởi đây là phân khúc có lượng hàng tồn lớn nhất.

Ý kiến của ông Nguyễn Nam Hiền, Tổng giám đốc Công ty địa ốc Hưng Thịnh, cho rằng, ngoài BĐS thì có tới 50 ngành nghề liên quan như tài chính, vật liệu xây dựng… cũng sẽ được hưởng lợi. Chưa kể đến những lợi ích xã hội như giải quyết việc làm, nâng cao chất lượng môi trường sống của người Việt.

Cũng theo ông Hiền, nếu luật Nhà ở sắp tới được thông qua với những quy định thông thoáng, thị trường BĐS cao cấp ở TP.HCM sẽ sôi động nhất cả nước do sự tăng trưởng kinh tế ở đây khá mạnh, GDP cao. Kế đến là Hà Nội và Đà Nẵng cũng sôi động theo. Khi thị trường BĐS và các ngành nghề khác liên quan hồi phục sẽ “kích hoạt” nền kinh tế phát triển theo.