Còn nhiều bế tắc trong việc chuyển đất vườn, ao liền kề, xen kẹt sang đất ở năm 2020

Quyết định 40/2011/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội cho thấy, từ ngày 1/1/2012, các hộ dân có nhu cầu được phép chuyển mục đích sử dụng đất vườn, ao liền kề, đất nông nghiệp xen kẹt trong khu dân cư sang đất ở.

Tuy nhiên, khi triển khai, các quận, huyện lại gặp vướng mắc trong việc xác định nguồn gốc, hạn mức đất, thực hiện nghĩa vụ tài chính…

Khó khăn trong  thực hiện

Theo ông Đinh Tiến Sỹ, Trưởng phòng TN&MT quận Thanh Xuân, khi Quyết định 40 của UBND TP Hà Nội có hiệu lực thi hành, quận đã chỉ đạo các phường tiến hành rà soát tổng hợp các trường hợp có nguồn gốc đất vườn, ao liền kề, đất nông nghiệp xen kẹt trong khu dân cư. Đến nay, quận đã tiếp nhận 12 hồ sơ xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất, tuy nhiên, đang gặp phải nhiều vướng mắc nên chưa thực hiện. Quận đang xin ý kiến tháo gỡ của các cơ quan cấp trên.

Còn nhiều bế tắc trong việc chuyển đất vườn, ao liền kề, xen kẹt sang đất ở | ảnh 1
Một khu đất kẹt ở ngõ 106 đường Hoàng Quốc Việt

Cũng như quận Thanh Xuân, đến thời điểm này, nhiều quận, huyện vẫn chưa thể triển khai thực hiện Quyết định 40. Theo ông Bùi Văn Sáng, Trưởng phòng TN&MT huyện Thanh Oai, quyết định trên có hiệu lực được hơn hai tháng, nhưng huyện vẫn đang chờ hướng dẫn của cơ quan chức năng. Thực tế tại huyện Thanh Oai, một bộ phận người dân cho rằng, đất vườn, ao liền kề do cha ông để lại, nay làm thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất phải nộp số tiền lớn, nên nhiều người dân chưa mặn mà với việc này.

“Huyện Đan Phượng cũng đang xây dựng kế hoạch triển khai Quyết định 40, nhưng gặp vướng khi xác định hạn mức và nguồn gốc đất. Chúng tôi đã có công văn gửi Sở TN&MT Hà Nội nhờ gỡ vướng về vấn đề này” – ông Nguyễn Đông Hiếu, Phòng TN&MT huyện Đan Phượng nói.

“Vướng” đất nông nghiệp 5%

Qua trao đổi, lãnh đạo các quận, huyện đều cho biết, Quyết định 40 chỉ tháo gỡ đối với đất vườn, ao liền kề, còn đất nông nghiệp xen kẹt vẫn khó chuyển đổi thành đất ở. Bởi, nếu theo Quyết định 40, tất cả trường hợp đất nông nghiệp được giao theo Nghị định 64 của Chính phủ, kể cả đất 5% cũng không được chuyển đổi thành đất ở. Trong khi đó, các thửa đất nằm xen kẽ trong dân cư khá lớn, nhiều gia đình đã làm nhà ở trên đất xen kẹt.

Đây cũng chính là khó khăn mà quận Thanh Xuân gặp phải. Ông Đinh Tiến Sỹ, Trưởng phòng TN&MT quận Thanh Xuân cho biết, khi thành lập quận Thanh Xuân năm 1997, các xã ven đô chuyển lên phường như phường Hạ Đình, Nhân Chính, Khương Đình không có đất nông nghiệp được giao theo Nghị định 64 và chưa được cấp sổ đỏ, các hộ gia đình sử dụng đất nông nghiệp được giao theo Luật Đất đai 1998. Các hộ gia đình đã tự chuyển mục đích sử dụng đất sang làm đất ở trước 1/7/2004. Một số hộ đã được cấp sổ đỏ, thu 100% tiền sử dụng đất chênh lệch giữa đất ở và đất nông nghiệp cùng vị trí trong hạn mức giao đất ở theo quy định của thành phố.

Tuy nhiên, theo Quyết định 40, các hộ gia đình có tên trong sổ địa chính của xã ghi đất nông nghiệp 5% không được chuyển mục đích sử dụng đất, nhưng thực tế người dân đã tự chuyển mục đích sang xây dựng nhà ở trong thời gian từ ngày 15/10/1993 đến trước 1/7/2004, ăn ở ổn định không tranh chấp khiếu kiện, phù hợp với quy hoạch được duyệt làm đất ở. Như vậy, các trường hợp này giải quyết thế nào?

Hạn mức đất cũng là băn khoăn của nhiều quận, huyện. Đất nông nghiệp được giao để sản xuất tính theo nhân khẩu trong gia đình làm nông nghiệp, đứng tên một người chủ gia đình, nay con cái trong gia đình đó trưởng thành, tách hộ khẩu riêng, vậy định mức được tính cho từng hộ gia đình đã tách hay trên toàn bộ đất giao cho hộ ban đầu?

“Về nghĩa vụ tài chính, nếu diện tích chuyển đổi mục đích chỉ nằm trong hạn mức giao đất ở, có nhất thiết phải thực hiện theo quy trình chuyển hồ sơ cho phòng Tài chính chủ trì, phối hợp với phòng TN&MT, phòng Quản lý đô thị, Chi cục thuế, UBND phường xác định giá phải nộp không?” – ông Sỹ băn khoăn.

Lãnh đạo một số quận, huyện khẳng định: “Các gia đình đã tự chuyển đổi mục đích sang để ở từ sau ngày 15/10/1993 đến trước 1/7/2004 không tiếp giáp với đường phố có tên trong khung giá đất của thành phố, nếu thực hiện theo Điều 16 (Quyết định 40), sẽ kéo dài thời gian và phức tạp, gây bức xúc cho nhân dân”.

Những vướng mắc, băn khoăn của các quận huyện là chính đáng. Mong rằng, các cơ quan chức năng của thành phố sẽ sớm có giải đáp, tháo gỡ trong khi triển khai Quyết định 40.

Theo Quyết định 40, đất chuyển mục đích phải phù hợp với quy hoạch; Không áp dụng đối với đất nông nghiệp do UBND các xã, phường, thị trấn, các hợp tác xã, các tổ chức khác đang quản lý, sử dụng; đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích; quỹ đất 5%, 10% giao cho hộ gia đình, cá nhân làm kinh tế vườn.

(Theo KTĐT)