Cư dân Đại Thanh 5 năm đi đòi sổ đỏ năm 2020

Hành trình 5 năm đòi sổ đỏ của cư dân Đại Thanh được đánh dấu bằng 9 cuộc tiếp xúc, đối thoại với các cấp chính quyền nhưng kết quả đến nay vẫn “mịt mù”.

Mỗi cuối tuần, anh Nguyễn Khắc Trí (36 tuổi) lại đi từ nhà trọ ở quận Hoàng Mai xuống ngôi nhà đang xây dang dở tại lô 10 khu đô thị Đại Thanh để trông coi. Ngôi nhà được khởi công từ tháng 6/2016, dự kiến cao 3,5 tầng nhưng vừa đổ mái xong tầng một thì bị chính quyền yêu cầu “tạm dừng vì đất nằm trên dự án Đại Thanh có nhiều sai phạm”.

Kể từ đó, gia đình ba người nhà anh Trí phải đi thuê một căn phòng trọ để ở tạm trong khi ngôi nhà của mình bỏ hoang cùng với khối lượng lớn vật liệu hoen rỉ theo thời gian. “Suốt một tháng sau đó, tôi cùng cả chục hộ lên xã, lên huyện rồi ra sàn giao dịch hỏi để được tiếp tục xây nhà nhưng đều nhận được câu trả lời là dự án đang vướng mắc và chờ thanh tra. Trong khi đó lúc tôi mua trên sàn giao dịch mọi thứ đều hợp lệ, tôi hoàn thành đầy đủ nghĩa vụ tài chính không thiếu một đồng”, anh Trí nói.

đòi sổ đỏ
Anh Trí trên ngôi nhà đang xây dở dang của mình. Ảnh: Gia Chính

Cách nhà anh Trí khoảng 20m là ngôi nhà số 2, liền kề 10 của ông Trần Quang Núi (63 tuổi) quê ở Hà Nam được xây dựng “trộm” theo kiểu một bên nhờ tường của hàng xóm, bên còn lại gắn tôn.

Năm 2016, ông Núi mua lô đất này trên sàn giao dịch của dự án Đại Thanh với những thông tin hợp pháp nên ông hoàn toàn tin tưởng, một năm sau khi có ý định xây nhà cao tầng ông cũng được chính quyền yêu cầu không xây dựng với lý do tương tự nhà của anh Trí.

“Vừa rồi con gái tôi sắp đẻ nên không còn cách nào khác tôi phải xây trộm căn nhà này để ở tạm vì chính quyền không cho xây kiên cố”, ông Núi nói và cho biết mong muốn những vấn đề giữa chủ đầu tư với nhà nước sớm được giải quyết để người dân xây dựng nhà cửa.

khu đô thị Đại Thanh
Gia đình ba thế hệ nhà ông Núi sống trong ngôi nhà xây tạm. Ảnh: Gia Chính

Cũng là cư dân của khu đô thị Đại Thanh nhưng chị Phan Hoàng Hải may mắn hơn anh Trí và ông Núi một chút vì đã có nơi ở trong căn hộ rộng 39m2. Có điều, căn hộ của chị cùng hơn 20 căn hộ chung tầng 3 tòa CT10B nằm trong danh sách không được cấp sổ đỏ vì xây dựng sai so với công năng ban đầu. Căn hộ chị Hải vốn được thiết kế để làm trung tâm thương mại thì bị chủ đầu tư chuyển đổi thành nhà ở.

Chị Hải cho biết, năm 2012 đặt cọc tiền mua căn hộ trên vì nhìn hồ sơ bản vẽ thiết kế dự án ghi rõ là căn hộ để ở chứ không phải trung tâm thương mại. “Khi nhận nhà thì tôi thấy tất cả các hộ xung quanh đều đến ở bình thường nên yên tâm”.

Năm 2014, khi có yêu cầu làm sổ đỏ cho các căn hộ chung cư, chị Hải và hàng trăm người khác mới phát hiện ra căn hộ của mình “sai công năng”. “Tôi lên sàn giao dịch hỏi thì chính họ cũng không thể trả lời, tôi mua trên sàn giao dịch nên chỉ biết lên đó hỏi chứ cũng chẳng biết kêu ai. Nhà mua hợp pháp mà giờ muốn bán lại cũng chẳng được”, chị Hải nói.

cư dân Đại Thanh đòi sổ đỏ
Căn hộ trên vị trí trung tâm thương mại của chị Hải. Ảnh: Gia Chính

Từ cuối năm 2018, cư dân dự án Đại Thanh bắt đầu tập hợp thành từng nhóm để đi yêu cầu chính quyền cấp sổ đỏ cho phần đất và căn hộ của mình. Đã có bảy cuộc tiếp xúc với đại diện của dân và hai lần đối thoại với toàn thể cư dân do Sở Xây dựng Hà Nội và UBND huyện Thanh Trì tổ chức có sự tham gia của các sở ngành liên quan.

Ngày 21/8, một cuộc đối thoại của 50 cư dân với thanh tra Sở Xây dựng cùng các ban ngành. Tại đây, cư dân Đại Thanh đưa ra hàng loạt câu hỏi nhưng đại diện thanh tra cho biết chỉ là người ghi nhận ý kiến của người dân để chuyển lên cấp cao hơn.

Đến ngày 20/9, trong cuộc đối thoại với cư dân khu đô thị Đại Thanh, ông Nguyễn Thế Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì thừa nhận lỗi của cơ quan nhà nước và bày tỏ quan điểm sẽ đồng hành cùng người dân để giải quyết vấn đề.

“Về quyết định tạm dừng thi công với nhà liền kề năm 2015, tôi cũng rất muốn hủy quyết định này để người dân xây dựng trở lại nhưng thẩm quyền thuộc UBND thành phố nên tôi và bà con sẽ cùng đưa những ý kiến này lên trên”, ông Cường nói và cho biết các căn hộ chung sẽ được làm sổ đỏ khi hệ thống phòng cháy chữa cháy được nghiệm thu xong.

Ban quản lý khu đô thị Đại Thanh cho biết toàn bộ 555 lô đất liền kề chưa được cấp sổ đỏ, trong đó 236 lô chưa thể xây dựng. Tổng số 3.941 căn hộ chung cư thì có 2.300 căn đã được cấp sổ (trong đó 1.060 sổ do người dân tự đi làm). 532 căn hộ xây sai phép ở các vị trí làm trung tâm thương mại hoặc vượt tầng.

Ông Tô Thế Bình, Giám đốc Ban quản lý Khu đô thị Đại Thanh cho biết bản thân thấy buồn khi là đơn vị trực tiếp xây dựng lên khu đô thị này và giờ chứng kiến cảnh tượng mọi hoạt động bị đình trệ.

“Sai phạm đã rõ rồi, thanh tra cũng đã chỉ ra rồi vậy tôi mong chính quyền hãy xử lý. Phần nào sai chủ đầu tư sẽ nộp phạt theo quy định của pháp luật. Tôi cũng rất mong muốn những sai phạm đó được khắc phục để người dân bớt khổ”, ông Bình nói.


Dự án Đại Thanh (xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì, Hà Nội) do Doanh nghiệp Xây dựng tư nhân số 1 tỉnh Điện Biên thuộc Tập đoàn Mường Thanh làm chủ đầu tư là một trong số những dự án cơ quan cảnh sát điều tra đang tiến hành điều tra về tội Lừa dối khách hàng theo điều 198 Bộ luật hình sự 2015. Tháng 7/2019, ông Lê Thanh Thản – Chủ tịch tập đoàn Mường Thanh đã bị VKSND thành phố Hà Nội khởi tố.


Dự án có quy mô 17ha, gồm các khu nhà liền kề, biệt thự và 6 khối nhà cao tầng. Hiện tại, các khối nhà cao tầng tại dự án đã hoàn thành và đi vào hoạt động.


Năm 2015, Thanh tra Bộ Xây dựng kết luận dự án có hàng loạt sai phạm trong xây dựng nhà ở cao tầng CT8 lô HH2 và CT10 lô HH1 (khu đô thị Đại Thanh). Đầu năm 2017, Thanh tra Chính phủ kết luận dự án “có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng”; các bên tham gia dự án cũng đã vi phạm nghiêm trọng các quy định của Nhà nước về xây dựng, đầu tư, đất đai, kinh doanh bất động sản…


Hàng nghìn chủ các lô biệt thự, liền kề, chung cư tại dự án Đại Thanh không được cấp sổ đỏ, không được phép xây dựng nhà ở.

(Theo Vnexpress)