Sau giờ học chính khóa và ăn trưa tại trường, các học sinh lớp buổi sáng Trường tiểu học Chu Văn An (quận Tây Hồ, Hà Nội) lại đến năm địa điểm khác nhau mượn của dân để tiếp tục chương trình bán trú.
Lớp sáng rời đi, học sinh các lớp chính khóa buổi chiều lại từ năm địa điểm học bán trú đổ về trường, ăn trưa và chuẩn bị vào lớp buổi chiều. Tình trạng đi học nhờ trong dân vì thiếu phòng học này diễn ra nhiều năm nay.
“Đi học nhờ”
Cô Nguyễn Thị Thúy Minh, hiệu trưởng Trường tiểu học Chu Văn An, cho biết ngôi trường hiện nay ở 130 Thụy Khuê xây dựng sau khi được chuyển giao từ Trung tâm Giáo dục thường xuyên quận Tây Hồ, nhưng tổng diện tích chỉ có 1.513m2, trong khi nếu áp tiêu chuẩn trường tiểu học hiện hành thì với quy mô 2.000 học sinh, trường cần tới 12.000m2.
Có 40 lớp nhưng trường hiện chỉ có 18 phòng học và một sân chơi chật hẹp. Trường tiểu học Chu Văn An phải tổ chức học chính khóa cả hai ca sáng – chiều nhưng vẫn không đủ phòng. “Trường phải bố trí cho học sinh nghỉ luân phiên trong tuần để lúc nào cũng có ít nhất hai lớp nghỉ học/ngày. Với cách bố trí này, có những lớp phải nghỉ vào ngày thường nhưng đi học vào thứ bảy. Việc này gây phiền phức cho nhiều phụ huynh nhưng không còn cách nào khác” – cô Thúy Minh cho biết.
“Vậy là hằng ngày, học sinh ca sáng ở trường phải ăn trưa sớm rồi đi đến các điểm lẻ. Học sinh học ở điểm lẻ thì lần lượt về trường sau đó, phải ăn bữa trưa chậm giờ hơn rồi tiếp tục học buổi chính khóa ở trường. Cả chục năm nay chúng tôi phải sắp xếp như thế rồi”, cô Minh kể.
Cả năm điểm lẻ của Trường tiểu học Chu Văn An đều là mượn các nhà văn hóa phường hoặc nhà sinh hoạt cộng đồng của các tổ dân phố.
Dự án xây Trường tiểu học Chu Văn An đã được khởi động từ 10 năm trước, nhưng con đường để có đất sạch lòng vòng, rắc rối đến giờ vẫn chưa gỡ được. Nơi được xem là “đất vàng” từng được ấn định xây trường, nay đã được chuyển giao và đang cho nhiều hộ kinh doanh thuê mướn.
Trường học trên… giấy
Tháng 11/2003, tại buổi làm việc của UBND TP Hà Nội với lãnh đạo UBND quận Tây Hồ về xây dựng trường học trên địa bàn quận, phó chủ tịch thường trực UBND TP khi đó là ông Nguyễn Quốc Triệu đã nhất trí “thu hồi khu đất tại 268 Thụy Khuê hiện do Công ty Môi trường đô thị (thuộc Sở Giao thông công chính) quản lý để xây dựng Trường tiểu học Chu Văn An”.
|
Trụ sở chính của Trường tiểu học Chu Văn An tại 130 Thụy Khuê (quận Tây Hồ) chỉ có 18 phòng học trong khi trường có tới 40 lớp |
Cô Nguyễn Vũ Mười – nguyên hiệu trưởng Trường tiểu học Chu Văn An – tâm sự: “Ngôi trường mới dự kiến xây dựng ở lô đất 266-268 Thụy Khuê (nằm bên trái đường Văn Cao – Hồ Tây) được duyệt với tổng diện tích gần 6.000m2. Nhưng năm này qua năm khác, tới khi tôi nghỉ hưu, chuyển trách nhiệm quản lý trường cho người khác thì ngôi trường mới vẫn chỉ là bản thiết kế trên giấy”.
Được biết sau khi có chủ trương xây trường, đến năm 2004, dự án xây dựng Trường tiểu học Chu Văn An lại được dịch chuyển về khu đất 260-262 Thụy Khuê (số cũ là 256 Thụy Khuê). Tại khu đất 266-268 Thụy Khuê hiện nay mọc lên các cửa hàng kinh doanh đồ gỗ, quán bia, gara ôtô… Còn khu đất mới dự kiến xây trường hiện nay cũng không phải “đất sạch” khi mà nhà khách của Bộ Quốc phòng và trên 20 hộ gia đình quân đội vẫn còn tọa lạc.
Sở dĩ việc xây dựng trường ở đây không thực hiện nữa là do năm 2004, giữa UBND TP Hà Nội và Bộ Quốc phòng có một thỏa thuận. Theo thông báo ngày 23/7/2004 của UBND TP Hà Nội và Bộ Quốc phòng, thỏa thuận giữa hai cơ quan là Bộ Quốc phòng bàn giao toàn bộ phần đất do bộ quản lý ở khu vực 256 Thụy Khuê (nay là 260-262 Thụy Khuê), trong đó có nhà khách của Bộ Quốc phòng, khu tập thể Bộ tư lệnh Công binh, cho TP Hà Nội xây dựng trường tiểu học. Đổi lại, TP Hà Nội giao toàn bộ khuôn viên đất của Công ty Môi trường đô thị (khu đất 266-268 Thụy Khuê) cho Bộ Quốc phòng cùng với khu đất bộ này đang quản lý để xây dựng mới nhà khách Bộ Quốc phòng.
“Nếu không có việc đổi chác đất giữa TP Hà Nội và Bộ Quốc phòng thì hoàn toàn có thể xây trường ở vị trí đất ban đầu. Trong khi đó, muốn có đủ đất để xây dựng trường ở vị trí sau khi hoán đổi (bên phải đường Văn Cao), ngoài diện tích nhà khách Bộ Quốc phòng cũ, còn phải thu hồi thêm đất ở của hơn 20 hộ dân trong khu tập thể quân đội đã sống ổn định suốt bao nhiêu năm nay” – ông Đỗ Bá Thảo, tổ trưởng tổ dân phố số 46, phường Thụy Khuê, nói.
Trong công văn của UBND quận Tây Hồ gửi UBND TP Hà Nội ngày 18/9/2006, phó chủ tịch UBND quận Tây Hồ – ông Thái Văn Hạ – báo cáo công tác khảo sát hiện trạng tại khu đất 260-262 Thụy Khuê “gặp rất nhiều khó khăn, người dân khu vực này phản ứng gay gắt và cho rằng việc triển khai thực hiện dự án xây dựng Trường tiểu học Chu Văn An tại đây là không hợp lý vì phải giải phóng mặt bằng nhiều hộ gia đình đã ăn ở ổn định lâu năm”.
UBND quận Tây Hồ đã đề nghị TP Hà Nội cho phép sử dụng diện tích đất tại 266-268 Thụy Khuê (khu đất đã hoán đổi cho Bộ Quốc phòng năm 2004 – PV) để lập dự án đầu tư xây dựng Trường tiểu học Chu Văn An.
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, diện tích nhà khách Bộ Quốc phòng ở 260 Thụy Khuê chỉ có khoảng 2.600m2 chưa tính đường đi. Vì thế để có đủ đất cho dự án xây trường thì phải thu hồi thêm diện tích đất của hơn 20 hộ gia đình trong khu tập thể quân đội (để có đủ diện tích khoảng 5.700m2). “Chúng tôi không đồng tình với việc đổi chác đất đai giữa hai đơn vị mà lại lôi hơn 20 hộ gia đình vào việc này” – ông Đỗ Bá Thảo nói.
Ngày 25/3/2008, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo kết luận giao Sở Quy hoạch – kiến trúc “chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên – môi trường – Nhà đất tham mưu cho UBND TP về việc chuyển đổi địa điểm số 256 Thụy Khuê (khu đất 260-262 Thụy Khuê hiện nay – PV) và địa điểm cũ tại số 266-268 Thụy Khuê (khu đất do Công ty Môi trường đô thị quản lý) để thực hiện dự án Trường tiểu học Chu Văn An”. Nhưng không hiểu sao mà thêm năm năm nữa trôi qua, đến nay dự án Trường tiểu học Chu Văn An vẫn nhùng nhằng chưa thể triển khai.
Đại diện Cục Hậu cần (Bộ Tổng tham mưu): Hà Nội chưa chính thức bàn giao đất cho chúng tôi Thượng tá Nguyễn Tất Đạt, phó trưởng Phòng doanh trại của Cục Hậu cần, cho biết cuối năm 2010, UBND quận Tây Hồ đã tạm bàn giao khu đất 266 Thụy Khuê (từ Công ty Môi trường đô thị) cho Cục Hậu cần (Bộ Tổng tham mưu). Thực chất việc bàn giao này chỉ là về nguyên tắc. Dưới sức ép của TP Hà Nội, quận Tây Hồ không hoàn thành tiến độ nên mới chỉ bàn giao cho chúng tôi trên nguyên tắc, còn thực tế Công ty Môi trường đô thị vẫn đang hoạt động ở đấy. Hai đơn vị cùng tham gia quản lý khu đất này. Cho đến thời điểm này, UBND TP Hà Nội và UBND quận Tây Hồ cũng chưa có quyết định chính thức bàn giao đất cho Cục Hậu cần quản lý mà vẫn trong trạng thái “tạm bàn giao” để giữ hộ đất là chính. Trong một số cuộc giao ban sau đó, Bộ Quốc phòng có ý kiến đề nghị TP Hà Nội sớm hoàn tất các thủ tục để giao đất cho Bộ Quốc phòng. * Như vậy, việc sử dụng khu đất 266 Thụy Khuê để cho một số đơn vị thuê kinh doanh không đúng mục đích là do TP Hà Nội hay Bộ Quốc phòng? – Khi mới tiếp nhận khu đất, dù có thuê người bảo vệ nhưng chúng tôi vẫn bị rất nhiều xe chở phế thải xây dựng vào đổ trộm. Vì vậy, chúng tôi có liên kết với một đơn vị bên ngoài để khai thác quỹ đất đó, tạo thêm nguồn kinh phí. * Việc cho thuê đất này có đề cập sẽ kéo dài trong bao lâu? – Chỉ tận dụng lúc nhàn rỗi, không có thời hạn. Khi nào Hà Nội có quyết định chính thức giao đất để triển khai dự án xây dựng nhà khách Bộ Quốc phòng thì việc cho thuê đương nhiên chấm dứt. * Trong khi đó, ông Nguyễn Minh Mười, phó giám đốc Sở Tài nguyên – môi trường Hà Nội, cho biết các bước về thu hồi đất xây Trường tiểu học Chu Văn An vẫn chưa đến cấp sở. Bao giờ quận Tây Hồ lập xong dự án xây dựng trường, tiến hành đo đạc hiện trạng xong, có các thủ tục hồ sơ về đất đai chuyển tới sở thì khi đó Sở TN-MT mới có cơ sở thẩm định hồ sơ thu hồi. |