Di dời 5.800 hộ dân sống ven tuyến Kênh Đôi – Kênh Tẻ năm 2020

Triển khai Dự án cải thiện môi trường nước Tp.HCM giai đoạn 3, chính quyền Tp.HCM dự kiến sẽ di dời khoảng 5.800 hộ dân đang sống ven tuyến Kênh Đôi – Kênh Tẻ thuộc địa bàn quận 4, quận 7 và quận 8.

Mới đây, lãnh đạo UBND Tp.HCM đã có buổi làm việc với Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) về Dự án cải thiện môi trường nước Tp.HCM giai đoạn 3 (lưu vực kênh Tàu Hũ – Bến Nghé – Đôi – Tẻ có diện tích khoảng 1.600 ha).

Tại buổi làm việc, Trưởng ban quản lý đầu tư xây dựng công trình giao thông đô thị Tp.HCM Lương Minh Phúc cho hay, mục tiêu của dự án gồm: Nạo vét và cải tạo tuyến Kênh Đôi – Kênh Tẻ, giải quyết yêu cầu chống ngập, thoát nước, giao thông thủy, hoàn tất các tuyến đường ven kênh; thu gom và xử lý nước thải trong khu vực, bảo vệ môi trường nước, khắc phục tình trạng ô nhiễm trên tuyến kênh này; di dời, tái định cư nhà trên kênh rạch, tăng cường mảng xanh, chỉnh trang đô thị, nâng cao chất lượng sống của người dân; hoàn chỉnh hệ thống thoát nước mưa và giải quyết dứt điểm tình trạng ngập lụt.

Theo dự kiến, dự án sẽ cải tạo chỉnh trang toàn bộ 13,5km của tuyến kênh này để cải thiện môi trường và tăng cường giao thông thủy; xây dựng khoảng hơn 40km tuyến cống thu gom nước thải và 2 nhà máy xử lý toàn bộ nước thải của khu vực rộng 1.600 ha; di dời toàn bộ các hộ dân sống dọc tuyến kênh, vào khoảng 5.800 hộ; rà soát và hoàn thiện 20km cống thoát nước mưa.



Di dời dân
Trên Kênh Đôi – Kênh Tẻ thuộc địa bàn quận 8 vẫn còn

khá nhiều nhà dân. Ảnh: Quang Chung

Theo ông Phúc, tổng mức đầu tư của dự án này vào khoảng 13.700 tỉ đồng (khoảng 76 tỉ yen Nhật); trong đó chi phí xây dựng, quản lý dự án, thiết bị và chi phí khác khoảng 9.459 tỉ đồng; đền bù giải phóng mặt bằng cho khoảng 29 cơ quan đơn vị và 5.800 hộ dân là khoảng 4.500 tỉ đồng.

Cũng tại buổi làm việc, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND Tp.HCM đại diện cho chính quyền thành phố cho biết, giai đoạn 1 và giai đoạn 2 của Dự án cải thiện môi trường nước Tp.HCM triển khai có hiệu quả, cải thiện được chất lượng của môi trường và chất lượng sống của người dân. Vì vậy, thành phố mong muốn JICA hỗ trợ vốn ODA cho giai đoạn 3 của dự án này để thành phố tiếp tục cải thiện môi trường sống cho người dân.

Lãnh đạo thành phố mong muốn JICA hỗ trợ vốn vay ODA cho dự án khoảng 9.459 tỉ đồng; còn số vốn còn lại (giải phóng mặt bằng) thì chính quyền thành phố sẽ tự lo.

Đáp lại, Trưởng đại diện Văn phòng JICA tại Việt Nam, ông Mori Mutsaya cho hay, ông đã đi khảo sát thực địa và cho rằng dự án này là thật sự cần thiết và thực hiện càng sớm càng tốt. Về mặt kỹ thuật thì dự án hoàn toàn khả thi nhưng về tài chính cần có đánh giá kỹ lưỡng hơn.

Theo ông Mori, yếu tố quyết định để JICA hỗ trợ cho dự án này là chất lượng của việc giải phóng mặt bằng. Ông cho biết, người dân Nhật – chủ thật sự của nguồn vốn ODA bây giờ có yêu cầu cao hơn về chất lượng giải phóng mặt bằng của các dự án mà họ hỗ trợ. Đối với dự án phải di dời gần 6.000 hộ dân thì chúng tôi nghĩ cần phỏng vấn nguyện vọng của từng hộ dân một.

Ngoài ra, còn một yêu cầu nữa trong việc hỗ trợ vốn cho dự án này mà JICA cũng đưa ra tại buổi làm việc đó là, chính quyền thành phố phải đẩy nhanh tiến độ các gói thầu của giai đoạn 2 và các tồn tại của các dự án hiện tại.

Những lo ngại của phía JICA về giải phóng mặt bằng đã được lãnh đạo thành phố yêu cầu đại diện Sở Xây dựng và Quận 8 giải đáp khá chi tiết về kế hoạch giải phóng mặt bằng và phát triển quỹ nhà tái định cư. Thành phố cam kết người dân sống ở ven Kênh Đôi – Kênh Tẻ sẽ được tái định cư tại chỗ để thuận lợi trong việc mưu sinh.

Trước khi kết thúc buổi làm việc, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND Tp.HCM nói với ông Mori rằng, những tồn đọng của các dự án trước, tôi cam kết với ông sẽ chỉ đạo các cơ quan liên quan làm đến nơi đến chốn.