HĐND TP.HCM thông qua chính sách đền bù ở Thủ Thiêm năm 2020

TP.HCM sẽ bồi thường cho dân khu 4,3ha bằng giá đất theo hệ số quy đổi với 3 phương án: tiền, nền đất tái định cư và nhà tái định cư.

Ngày 6/10, HĐND TP.HCM khóa IX tổ chức kỳ họp thứ 16 (kỳ họp bất thường) để xem xét một số tờ trình của UBND TP HCM, trong đó trọng tâm là thông qua chính sách giải quyết bồi trường, hỗ trợ, tái định cư bổ sung đối với 331 hộ dân khu đất 4,3ha (khu phố 1, phường Bình An, quận 2). Khu đất này đã được xác định nằm ngoài ranh Khu đô thị mới Thủ Thiêm, theo kết luận 1483 ngày 4/9/2018 của Thanh tra Chính phủ.

“Thành phố cần khẩn trương thực hiện chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư bổ sung để đảm bảo an dân, hạn chế phát sinh các tình huống phức tạp. Nội dung chính sách dự kiến đã được đa số người dân đồng thuận và phù hợp với thẩm quyền của HĐND thành phố”, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan báo cáo HĐND thành phố.

Khu đô thị mới Thủ Thiêm
Một góc Khu đô thị mới Thủ Thiêm, quận 2. Ảnh: Hữu Khoa

Về phương án bồi thường, thành phố sẽ dựa trên giá đất các dự án lân cận theo khung giá nhà nước. Cách tính này được UBND TP.HCM nghiên cứu trong suốt thời gian dài, Ban thường vụ Thành ủy đã thông qua.

Cụ thể, giá đền bù sẽ được tính theo quy chiếu hệ số, tức là vẫn tính giá thị trường không kiểm soát để làm cơ sở quy chiếu hệ số tỷ lệ diện tích đất được hoán đổi. Ví dụ, một m2 ở đường Trần Não (nằm trong khu 4,3ha) sẽ hoán đổi được bao nhiêu m2 ở đường Lương Định Của. Tiếp theo là lấy giá đất nhà nước ban hành liên quan đến những vị trí được đổi đất để tính hệ số quy đổi.

Theo đó, một m2 đất mặt tiền Trần Não quy đổi đất mặt tiền đường Lương Định Của được 1,3m2; đường số 4 (rộng 22m) và đường A (rộng 24m) được 1,7m2; đường nội bộ (rộng 8m) được 2,2m2… Bốn tuyến đường này đều nằm trong khu 1,8ha ở Bình Khánh mà quận 2 dự tính quy đổi đất.

Nguyên tắc quy đổi là, vị trí đất càng xa trung tâm quận 2 thì diện tích nhận được càng lớn. Nếu người dân đem bán diện tích đất đổi được, số tiền thu về tương đồng với diện tích đất bị thu hồi trong khu 4,3ha ở hiện tại.

Theo ông Hoan, quan điểm của thành phố là việc bồi thường làm sao có lợi nhất cho người dân. Thành phố xem những loại đất không phải đất ở là đất ở để bồi thường; áp dụng chính sách bồi thường năm 2019 chứ không phải mười mấy năm trước và do không tái định cư tại chỗ nên người dân có 3 phương án lựa chọn là tiền, nền đất tái định và nhà tái định cư.

“Người dân có quyền lựa chọn bất kỳ phương án nào nhưng theo thành phố, người dân nên chọn đất nền tái định cư khác hoặc nhà tốt hơn là nhận tiền”, ông Hoan nói và cho rằng với phương án áp dụng hệ số quy đổi, cùng khoản tiền tái định cư, người dân có thể chuyển sang nhận nền đất, nhà tái định cư và có thể giao dịch trên thị trường để chuyển thành tiền cao hơn còn nếu nhận tiền từ giá Nhà nước thì không cao.

bồi thường Thủ Thiêm
Khu đất 4,3ha vẫn bỏ hoang chưa được xây dựng và chỉ còn vài hộ sinh sống. Ảnh: Trung Sơn

Cũng theo ông Hoan, người dân có hai cách nhận bồi thường. Đó là hoàn trả lại khoản bồi thường trước đây đã nhận để nhận lại toàn bộ theo giá trị hiện nay. Còn nếu không hoàn trả thì người dân sẽ nhận phần chênh lệch giữa bồi thường trước đây và bổ sung hiện nay.

Báo cáo thẩm tra tờ trình sau đó, ông Triệu Đỗ Hồng Phước, Trưởng ban Kinh tế – Ngân sách, HĐND TP.HCM đánh giá việc quyết định chủ trương để UBND thành phố xây dựng, ban hành chính sách giải quyết bồi trường, hỗ trợ, tái định cư bổ sung đối với các hộ dân khu đất 4,3ha là cần thiết.

Ban Kinh tế – Ngân sách, HĐND thành phố đề nghị UBND thành phố chịu trách nhiệm xây dựng và thực hiện chính sách giải quyết bồi trường, hỗ trợ, tái định cư bổ sung đối với các hộ dân khu đất 4,3ha đúng theo quy định pháp luật, minh bạch, công khai. “UBND thành phố cũng phải rà soát, hoàn thiện để tiếp tục thực hiện quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Nếu có vướng mắc khi thực hiện phải kịp thời báo cáo các cơ quan có thẩm quyền để xin ý kiến”, ông Phước nói.

100% đại biểu có mặt đã biểu quyết thông qua tờ trình. Đây sẽ là cơ sở để sắp tới thành phố lên kế hoạch bồi thường cho người dân.

TP.HCM triển khai quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm từ năm 1996, rộng 930ha, nằm bên bờ Đông sông Sài Gòn, cách trung tâm quận 1 chừng 300m đường chim bay. Đây là trung tâm hiện đại và mở rộng của TP.HCM, được kỳ vọng đẹp nhất Đông Nam Á.

Chính quyền thành phố khẳng định thực hiện dự án không nhằm kinh doanh bất động sản. Phần lớn diện tích được ưu tiên xây dựng các công trình công cộng, dịch vụ mà trung tâm thành phố hiện hữu còn thiếu như: Quảng trường trung tâm, công viên bờ sông; Trung tâm Tài chính; Trung tâm Hội nghị triển lãm quốc tế; Cung Thiếu nhi, Lâm viên sinh thái…

Tuy nhiên, hơn 20 năm sau quy hoạch vẫn còn hơn 100 hộ dân khiếu nại từ thành phố đến Trung ương vì cho rằng TP.HCM thu hồi đất của họ trái quy định.

Thanh tra Chính phủ hai lần công bố hàng loạt sai phạm của UBND TP.HCM và các bộ ngành liên quan như: thu hồi sai 4,3ha ngoài ranh quy hoạch; giao đất trong khu vực được quy hoạch tái định cư cho 51 doanh nghiệp làm dự án…

Thanh tra Chính phủ yêu cầu TP.HCM thu hồi hàng chục nghìn tỷ đồng do tạm ứng sai quy định, duyệt tổng mức đầu tư các dự án hạ tầng BT không đúng; tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất hoặc đấu thầu dự án lựa chọn nhà đầu tư với các lô đất còn lại để tránh thất thoát ngân sách và chọn nhà đầu tư có năng lực thực hiện các dự án.

Trung Sơn