Khách hàng khắp nơi khốn đốn vì dự án của Tân Cường Thành năm 2020

Nhiều khách hàng ở các tỉnh thành mua nhà đất ở các dự án của Tân Cường Thành đang đứng ngồi không yên khi hay tin ông Trương Vĩ Kiến bị bắt.

Khách hàng ngồi trên “lửa”

Hay tin ông Trương Vĩ Kiến, đại biểu HĐND TP. Hồ Chí Minh, Tổng giám đốc CTCP Dây cáp điện Tân Cường Thành, chủ đầu tư một loạt dự án BĐS ở TP.Đà Nẵng bị Cơ quan điều tra Bộ Công an bắt tạm giam để điều tra hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, nhiều khách hàng, đối tác liên quan đến DN này đang rất hoang mang.

Khách hàng khắp nơi khốn đốn vì dự án của Tân Cường Thành năm 2020 3

Cơ sở hạ tầng khu dân cư Tân Cường Thành vẫn chưa hoàn chỉnh

Trước đó, từ đầu năm 2013 đến nay, người dân liên tục kéo đến bao vây Nhà máy sản xuất dây và cáp điện của Tân Cường Thành ở quận Liên Chiểu, TP.Đà Nẵng để đòi “sổ đỏ”. Việc người đứng đầu Tân Cường Thành bị bắt càng khiến nhiều khách hàng như ngồi trên lửa. Trong số đó có ông Hà Duyên Long, trú TP. Tam Kỳ (Quảng Nam).

Tháng 5/2012, ông Long ký hợp đồng mua lô đất 12 khu A17 thuộc dự án Khu dân cư Tân Cường Thành. Trong hợp đồng mua bán, ông Trương Vĩ Kiến với cương vị là Tổng giám đốc công ty cam kết chuyển nhượng quyền sử dụng lô đất trên cho anh Long chậm nhất vào ngày 30/6/2012. Tuy nhiên qua nhiều lần thất hẹn, đến nay phía chủ đầu vẫn chưa bàn giao “sổ đỏ” cho người mua.

Mới đây, do bí bách về nơi ở, ông Long quyết định đổ đá lên nền lô đất của mình để xây nhà thì gặp phải sự phản kháng của một người khác. Sau khi tìm hiểu, cả hai mới té ngửa ra rằng, cùng một lô đất nhưng Tân Cường Thành đã làm thủ tục bán cho hai khách hàng. Trong lúc số phận lô đất chưa được phán quyết, ông Trương Vĩ Kiến bị bắt như nói trên.

Không chỉ có những khách hàng ở Quảng Nam hay TP.Đà Nẵng, nhiều nhà đầu tư BĐS trong cả nước đã lỡ rót tiền vào các dự án của Tân Cường Thành cũng đang đứng ngồi không yên. Một số khách hàng ở Nghệ An, Thanh Hoá, Hà Nội… vội vàng có mặt tại TP.Đà Nẵng, khi hay tin ông Trương Vĩ Kiến bị bắt. Ông Lê Minh Đạt, trú quận Hoàn Kiếm, Hà Nội cho biết: Nghe thông tin tôi đã bay ngay vào Đà Nẵng để xem tình hình. Đến nơi, cũng không biết kêu ai để bảo vệ tài sản của mình…

Trong các hợp đồng mua bán BĐS của Tân Cường Thành với khách hàng, ông Trương Vĩ Kiến là người trực tiếp ký hợp đồng. Trước thời điểm vị tổng giám đốc này bị bắt, việc đòi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của khách hàng đã trầy trật, nay chắc chắn lại càng khó khăn hơn, ông Trần Ngọc Long, trú quận Liên Chiểu, một khách hàng của Tân Cường Thành than thở như vậy.

Trước nguy cơ mất trắng tài sản, nhiều khách hàng của Tân Cường Thành cố tìm cách liên lạc với đại diện của công ty ở TP.Đà Nẵng để tìm hiểu thông tin, đặc biệt muốn nhận được câu trả lời từ lãnh đạo DN về số phận của những lô đất mà mình đã mua, nhưng hoàn toàn vô vọng…

Ông Đàm Quang Hưng, Phó chủ tịch UBND quận Liên Chiểu xác nhận, chính quyền cũng rất lo lắng trước  thực trạng tại các dự án BĐS của Tân Cường Thành nằm trên địa bàn. Việc lãnh đạo DN bị bắt, người dân hoang mang là điều dễ hiểu. UBND Liên Chiểu đã có báo cáo lên UBND TP.Đà Nẵng để có hướng giải quyết, xử lý tình huống nhằm kịp thời ổn định tình hình…

Dự án bỏ hoang

Trước việc nhiều người đang hoang mang lo lắng vì lỡ làm “thượng đế” của Tân Cường Thành thì một thực tế khác là tất cả các dự án của DN này đầu tư tại TP.Đà Nẵng đều đang dang dở, thậm chí có dự án còn rơi vào cảnh… bỏ hoang.

Năm 2004, Tân Cường Thành đầu tư xây dựng Nhà máy sản xuất dây và cáp điện tại quận Liên Chiểu, TP.Đà Nẵng với công suất 40.000 tấn sản phẩm/năm, giá trị đầu tư 180 tỷ đồng. Dự án này từng được kỳ vọng là sản phẩm công nghiệp chủ lực của thành phố. Chính vì vậy, chính quyền TP.Đà Nẵng không ngần ngại cấp 15 ha đất sạch có vị trí đẹp nằm trên đường Hoàng Văn Thái cho DN.

Khách hàng khắp nơi khốn đốn vì dự án của Tân Cường Thành năm 2020 4

Nhà máy sản xuất dây cáp điện đã ngừng hoạt động

Thế nhưng, chỉ được vài năm đầu, đến năm 2009 Tân Cường Thành xin chuyển đổi mục đích sử dụng một phần diện tích đất sản xuất sang kinh doanh BĐS. Từ đó, tình hình hoạt động của nhà máy ngày càng… lụi dần.

Đến nay, Nhà máy sản xuất dây và cáp điện Tân Cường Thành rơi vào cảnh bỏ hoang. Trên diện tích hơn 5 ha với nhiều nhà xưởng sản xuất một thời, bây giờ thay vào đó là khung cảnh hoang tàn. Bên trong các nhà xưởng máy móc bị để hoang, gỉ sét, chỏng chơ sắt thép. Một bảo vệ tại đây cho biết, nhà máy đã ngừng hoạt động từ lâu, lãnh đạo công ty đã lâu lắm rồi cũng không thấy xuất hiện ở đây.

Quay trở lại với dự án Khu dân cư Tân Cường Thành, năm 2009 CTCP Dây và cáp điện Tân Cường Thành đã xin UBND TP.Đà Nẵng chuyển đổi mục đích sử dụng một phần diện tích Nhà máy sản xuất dây cáp điện sang kinh doanh BĐS. Sau gần 2 năm xây dựng cơ sở hạ tầng, đến năm 2011 Tân Cường Thành bắt đầu rao bán các lô đất tại đây với những thông tin hấp dẫn như: dự án có cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh, cách trung tâm thành phố 3 km, gần bến xe trung tâm, nhà ga xe lửa các trường đại học…

Chào bán trong thời điểm BĐS đang lên “cơn sốt”, chỉ trong vòng 1 năm công ty đã bán gần 500 lô đất nền. Nhiều khách hàng đã giao trước cho chủ đầu tư 90% tiền đặt cọc để nhận lại lời hứa sau 3 tháng sẽ bàn giao “sổ đỏ”. Thế nhưng, ngoài việc chưa cầm được sổ đỏ, khi làm nhà không phép trên mảnh đất đã mua, những hộ dân ở đây phải sống trong cảnh phấp phỏng lo âu sợ bị thu hồi lại đất bất cứ lúc nào. Bên cạnh đó, họ còn phải sinh hoạt trong cảnh nhà không số, phố không tên, cơ sở hạ tầng chưa hoàn chỉnh, nắng bụi mù mịt, mưa nước ngập lênh láng…

Chưa hết, vào năm 2012, CTCP Dây và cáp điện Tân Cường Thành còn thành lập một công ty con với tên đăng ký CTCP Tân Hải Doanh, vốn điều lệ 150 tỷ đồng. Mục đích thành lập DN này được Tân Cường Thành đưa ra là phát triển, kinh doanh BĐS chuyên nghiệp. Sau đó, chính quyền địa phương đã chấp thuận cho Tân Hải Doanh triển khai đầu tư dự án khu đô thị Thiên Park, cũng nằm trên địa bàn quận Liên Chiểu, có tổng diện tích trên 129,9 ha.

Theo đó, giai đoạn 1 sẽ triển khai 98 ha. Thiên Park được quảng bá là một khu đô thị hiện đại với 283 căn biệt thự, 1.311 lô đất nền cùng với 4 khu nhà chung cư dành cho người thu nhập thấp… Tổng vốn đầu tư của dự án lên đến 1.600 tỷ đồng. Ngoài ra, công ty mẹ là Tân Cường Thành còn kêu gọi đối tác từ Nhật Bản đầu tư vào Thiên Park với tham vọng xây dựng một đô thị hiện đại phía bắc sông Cu Đê, có các trung tâm mua sắm ngang tầm Tokyo…

Tin tưởng vào những “bánh vẽ” do nhà đầu tư đưa ra, không ít chủ đầu tư BĐS đặc biệt tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đã đổ tiền vào dự án. Tuy nhiên, cũng giống như những dự án trước, cho đến nay Thiên Park cơ bản vẫn là… cánh đồng hoang. Ngay cả số tiền chuyển đổi mục đích sử dụng đất 92 tỷ đồng vẫn chưa được nhà đầu tư nộp vào ngân sách thành phố.

Cực chẳng đã, đến ngày 10/10/2013, UBND TP.Đà Nẵng có công văn yêu cầu Tân Cường Thành phải cam kết về tiến độ thực hiện và tiến hành đầu tư xây dựng vào đầu tháng 3/2014, nếu không sẽ xử lý thu hồi dự án. Song, bất chấp sự quyết liệt của chính quyền, đến nay dự án Thiên Park vẫn trong tình trạng án binh bất động.