Một người dân có đất trong dự án treo than thở: “Bán không được, cất nhà cũng không xong. Có đất mà không có tiền, khổ lắm!”
LTS: Quy hoạch “treo”, dự án “treo” là vấn đề không mới nhưng bao giờ cũng nóng hổi vì luôn gây bức xúc, khổ sở cho người dân. Đây cũng là chuyên đề được bàn thảo tại kỳ họp ngày 4 và 5-10 của HĐND Tp.HCM. Với loạt bài này, Pháp Luật Tp.HCM mong sẽ góp thêm thông tin, góc nhìn, hướng giải quyết cho vấn đề nói nhiều nhưng chưa giải quyết được này.Để minh họa cho câu chuyện về quy hoạch “treo”, dự án “treo” tại Tp.HCM, chúng tôi chọn Hóc Môn, Thủ Đức (hai địa phương đang đô thị hóa nhanh) để tìm hiểu. Qua thống kê chưa đầy đủ, huyện Hóc Môn đang “gánh” hơn 10 dự án “treo” lẫn quy hoạch “treo” với tổng diện tích hàng trăm hecta. Quận Thủ Đức cũng không ít hơn.
Khó đủ đường
Năm 2010, Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại DIC (DIC Intraco) được UBND Tp.HCM giao làm chủ đầu tư Khu công nghiệp (KCN) Xuân Thới Thượng. Khu đất của dự án trải dài gần chục cây số, chạy dọc đường Dương Công Khi (xã Xuân Thới Thượng, Hóc Môn) đến tận đường XTT3 (tiếp giáp xã Vĩnh Lộc A, Bình Chánh). Từ đó tới nay, chủ đầu tư chẳng có động tĩnh gì.
Anh Lương Văn Lâm (ấp 1, xã Xuân Thới Thượng) cho biết đầu năm 2010, anh cùng nhiều hộ dân của xã được thông báo có đất nằm trong dự án KCN. Thế là từ đó, khu đất có gần 1.000 m mặt tiền đường XTT3 của anh mất giá. “Có đất rộng như vậy nhưng chẳng làm gì được, bán cũng không ai mua. Hai vợ chồng phải làm đủ thứ nghề, quần quật cả ngày mới đủ sống” – anh Lâm than thở.
Thông tin từ xã Xuân Thới Thượng, dự án trên có quy mô 350 ha, khoảng 300 hộ dân với hơn 4.000 nhân khẩu bị ảnh hưởng. Trong buổi khảo sát của HĐND Tp.HCM ngày 6 và 7-9, phía DIC Intraco cho biết có thể huy động hơn 2.800 tỉ đồng thực hiện dự án. Nhưng theo các đại biểu HĐND, với đơn giá bình quân 1 triệu đồng/m2 thì riêng tiền bồi thường giải phóng mặt bằng đã lên tới 3.500 tỉ đồng. Do khả năng thực hiện dự án của DIC Intraco thấp, huyện Hóc Môn đã kiến nghị UBND TP xem xét thu hồi dự án.
Có khu đất rộng mênh mông ở mặt tiền đường XTT3 nhưng anh Lương Văn Lâm (Hóc Môn) chẳng thể xây nhà, bán cũng không ai mua do vướng dự án “treo”. Ảnh: ÁI NHÂN |
Còn tại Thủ Đức, từ năm 2004 đã có quyết định thu hồi gần 200 ha đất ở phường Hiệp Bình Phước để thực hiện dự án khu dân cư – công viên giải trí. Nhưng tám năm qua, chủ đầu tư vẫn chưa triển khai do không thỏa thuận được giá bồi thường. Từ đó tới nay cuộc sống gia đình ông Trương Đức Lợi (59/9 đường số 9, khu phố 5) và các hộ dân xung quanh bị ảnh hưởng nghiêm trọng. “Chúng tôi không được xây dựng tạm, cũng không được mua bán, chuyển nhượng. Sản xuất nông nghiệp thì không hiệu quả” – ông Lợi nói.
Mong xóa quy hoạch “treo” từng ngày
Gia đình ông Cao Văn Đựng (131/1/5 đường số 6, phường Linh Xuân, quận Thủ Đức) có 2.500 m2 đất tại phường Linh Xuân. Năm 1999, UBND TP phê duyệt quy hoạch cụm công nghiệp trên địa bàn phường Linh Xuân, phần đất của ông Đựng nằm trong quy hoạch. Suốt 13 năm qua, ông Đựng cũng như những người dân có đất trong quy hoạch không biết phải làm gì với đất của mình. “Bán không được, cất nhà cũng không xong. Có đất mà không có tiền, khổ lắm. Nếu Nhà nước không làm gì thì cũng nên xóa quy hoạch để cho người dân còn có đường làm ăn, sinh sống” – ông Đựng than thở.
Toàn quận hiện có tám dự án chậm triển khai. Để giải quyết việc không thỏa thuận được giá bồi thường, các chủ đầu tư đang kiến nghị xin điều chỉnh ranh của dự án. Theo đó, chủ đầu tư xin cắt phần đất của các hộ không thỏa thuận được ra khỏi ranh của dự án, trừ trường hợp nhà bị giải tỏa nằm trong phần lõi. Tuy nhiên, tất cả vẫn phải chờ đến khi đồ án điều chỉnh quy hoạch chung của quận được duyệt. Ông PHAN VĂN ĐỰNG, Phó phòng Quản lý Đô thị quận Thủ Đức |
Theo Phòng Quản lý Đô thị quận Thủ Đức, từ năm 2004, TP đã xác định sẽ không xây dựng cụm công nghiệp tại quận Thủ Đức. Cùng thời điểm, quận đã xin điều chỉnh quy hoạch cụm công nghiệp tại phường Linh Xuân thành khu dân cư. Tuy nhiên, Sở QH-KT cho hay phải chờ điều chỉnh quy hoạch chung của quận thì mới thẩm định được.
“Toàn quận hiện có khoảng 30 dự án đã được duyệt quy hoạch nhưng phần lớn chưa có chủ đầu tư. Quận đồng tình với việc quy hoạch định hướng nhằm tạo quỹ đất dành cho công trình công cộng. Tuy nhiên, chúng tôi kiến nghị cho xây dựng tạm trên đất nông nghiệp và cho phép chuyển nhượng nguyên thửa để gỡ bớt khó khăn cho người dân” – ông Phan Văn Đựng, Phó phòng Quản lý Đô thị quận Thủ Đức, nói.
Bà Văn Thị Bạch Tuyết, Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn, cũng cho hay hiện có tám cụm công nghiệp quy mô 20-70 ha được quy hoạch trên địa bàn huyện. Đến nay chỉ có một dự án có chủ đầu tư, còn lại đều chưa có chủ. Huyện nhận thấy việc duy trì các cụm công nghiệp là không hợp lý nên đã đề nghị điều chỉnh quy hoạch ba cụm công nghiệp. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Thanh Toàn, Phó Giám đốc Sở QH-KT, việc điều chỉnh quy hoạch cụm công nghiệp phải xin ý kiến Thủ tướng. Bởi đây là quy hoạch ngành đã được Thủ tướng phê duyệt.
Quyền của người dân trong khu quy hoạch “treo”, dự án “treo”
(Theo PLTPHCM)