Nhiều năm nay, tình trạng lấn chiếm đất, xây dựng trái phép tại khu vực bãi giữa sông Hồng (thuộc địa giới hành chính của các quận: Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm và Long Biên) diễn ra rất phức tạp, gây mất an toàn đê điều.
Những năm gần đây, do việc buông lỏng quản lý nên các công trình xây dựng ảnh hưởng đến chức năng thoát lũ sông Hồng xuất hiện ngày càng nhiều.
Tình trạng lấn chiếm đất nông nghiệp, đất bãi để xây dựng công trình tại các phường: Phúc Xá (Ba Đình), Tứ Liên (quận Tây Hồ), Chương Dương (Hoàn Kiếm), diễn ra rất phức tạp trong nhiều năm nay.
Mục sở thị tại khu vực đất bãi giữa sông Hồng thuộc địa phận các phường Phúc Xá, Tứ Liên, Chương Dương cho thấy, hàng loạt những vi phạm không chỉ tồn tại trong hành lang đê sông Hồng. Ngoài đê bối, trên các cánh đồng trồng quất, nhiều ngôi nhà cấp 4 đã được mọc lên và tồn tại từ nhiều năm nay. Thậm chí, những ngôi nhà này còn được đánh số thứ tự và có đường bê tông vào tận ngõ.
Những ngôi nhà xây dựng không phép ở bãi giữa sông Hồng. Ảnh: Trần Quý |
Trên tuyến đê hữu Hồng (dài 7,51km) đoạn qua địa phận quận Tây Hồ, tình trạng vi phạm trật tự xây dựng diễn ra nhan nhản. Người dân tự ý xây nhà trên đất nông nghiệp, cả những khu đất trong hành lang thoát lũ cũng được biến tấu thành khu vui chơi giải trí, nhà hàng, dù đây là tuyến đê cấp đặc biệt.
Thống kê của Chi cục Đê điều và Phòng, chống lụt bão Hà Nội cho thấy, tại 17 quận, huyện, thị xã có sông Hồng chảy qua đều để xảy ra tình trạng vi phạm pháp luật về đê điều. Vi phạm chủ yếu là xây dựng công trình, tập kết cát sỏi, đổ phế thải, trồng cây… trong hành lang thoát lũ. Nghiêm trọng nhất là tình trạng đổ phế thải xây dựng xuống lòng sông tại địa bàn quận Tây Hồ, tập kết vật liệu xây dựng tại quận Long Biên, các huyện: Đông Anh, Đan Phượng, Phú Xuyên,…
Theo quy hoạch phòng, chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 257/QĐ-TTg ngày 18/2/2016, khu vực bãi giữa sông Hồng được xác định là không gian thoát lũ; các hoạt động tại khu vực này phải bảo đảm an toàn và không ảnh hưởng đến chức năng thoát lũ sông Hồng.
Tất cả vi phạm đê điều đều bị các hạt quản lý đê lập biên bản và đình chỉ hành vi vi phạm, báo cáo chính quyền địa phương xử lý theo thẩm quyền. Nhưng do địa phương thiếu quyết liệt nên đến nay vi phạm vẫn chưa được xử lý. Điển hình như tình trạng xây hàng quán kinh doanh trái phép, đổ phế thải tại khu vực kè Phú Gia và khu vực Bãi Đá sông Hồng… Hạt Quản lý đê số 2, Chi cục Đê điều và Phòng, chống lụt bão, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND TP. Hà Nội và Tổng cục Thủy lợi đã có rất nhiều cuộc họp và văn bản yêu cầu các phường Phú Thượng, Nhật Tân, quận Tây Hồ xử lý dứt điểm. Mặc dù dư luận nhiều lần lên tiếng, nhưng vi phạm đâu vẫn hoàn đó.
Ông Lê Văn Thủy, Phó Chủ tịch UBND phường Tứ Liên, quận Tây Hồ cho biết, sai phạm tại bãi giữa sông Hồng đã diễn ra nhiều năm và có tình trạng mua bán trái phép đất tại đây. TP. Hà Nội đã có chủ trương đo đạc, lập bản đồ địa chính tại bãi giữa sông Hồng. Tình trạng này nếu kéo dài sẽ rất khó cho các cơ quan tiến hành công việc và quản lý bãi giữa. UBND phường đã xử lý quyết liệt, tuyên truyền vận động, ra quân liên tục nhưng vẫn diễn ra tình trạng xây dựng, mua bán đất công khai. Dù phường xử lý rất nhiều lần nhưng vẫn diễn ra tình trạng tái phạm xây dựng không phép.
Để từng bước lập lại trật tự tại bãi giữa sông Hồng, TP. Hà Nội đã ban hành nhiều văn bản đề nghị các sở, ngành và địa phương liên quan xử lý các vi phạm tại khu vực bãi giữa sông Hồng. Văn bản số 902/VP-KT của TP. Hà Nội ban hành tháng 2/2017 yêu cầu các địa phương tăng cường công tác quản lý, thường xuyên kiểm tra, rà soát, xử lý vi phạm (thanh thải các công trình có tính chất xây dựng và trồng cây lâu năm, đảm bảo không gian thoát lũ sông Hồng)…
Trước đó, tháng 10/2016, TP. Hà Nội cũng đã ban hành văn bản yêu cầu UBND quận Tây Hồ khẩn trương kiểm tra, rà soát khu vực bãi đá sông Hồng tại phường Nhật Tân; yêu cầu các đơn vị đang kinh doanh, sử dụng đất bãi sông tại khu vực này bốc xúc, thanh thải toàn bộ khối lượng phế thải, đất thải đã đổ xuống lấp dòng sông Hồng; đồng thời đình chỉ mọi hoạt động kinh doanh trái phép và có biện pháp xử lý theo thẩm quyền đối với các cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm Luật Đê điều tại khu vực bãi đá sông Hồng. Còn UBND quận Tây Hồ chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trương, Sở Xây dựng để đề xuất giải pháp quản lý đất đai, trật tự xây dựng; kiên quyết xử lý dứt điểm các vi phạm về đất đai, xây dựng trên địa bàn quận Tây Hồ, không để phát sinh các vi phạm mới.