Tiếp tục chuyến đi khảo sát việc quy hoạch các dự án trong địa bàn thành phố, ngày 13/9, Ủy ban MTTQ Tp.HCM đã đi khảo sát quy hoạch dự án hồ sinh thái Vĩnh Lộc tọa lạc tại ba xã: Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B và Phạm Văn Hai của huyện Bình Chánh.
Một số hộ dân tái định cư trong dự án Đông Tăng Long, Q.9, TP.HCM đã xây nhà ở trước khi được chính thức giao nền |
Dự án hồ sinh thái Vĩnh Lộc có từ năm 1996 do Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn TP làm chủ đầu tư. Theo quyết định của UBND TP, mục tiêu ban đầu của dự án 400ha này là cải tạo vùng đất trũng phèn của Vĩnh Lộc thành hồ nhằm cải thiện môi trường sinh thái và cơ sở hạ tầng cho khu văn hóa du lịch tây nam TP.
14 năm chờ bồi thường
“Trong 14 năm dự án “treo”, các chủ đầu tư và chính quyền thống kê, đo vẽ nhà đất của dân đến chín lần! Cứ 1-2 năm là làng trên xóm dưới râm ran chuyện đếm cây, đo đất, thống kê tài sản và ai cũng tưởng sắp di dời đến nơi. Nhưng sau đợt kiểm kê hiện trạng nhà đất thì các chủ đầu tư im lặng rồi thời gian sau lại… kiểm kê khiến người dân cứ nhấp nhổm, không còn tâm trạng để đầu tư sản xuất”. Một người dân ở khu vực dự án hồ sinh thái Vĩnh Lộc. |
Cuối năm 1996, dự án được giao cho Công ty Đầu tư xây dựng Bình Chánh thuộc UBND huyện Bình Chánh làm chủ đầu tư. UBND TP cho chủ đầu tư được san lấp 30ha làm khu dân cư, làng hoa để kinh doanh; phần diện tích gần 260ha còn lại để huy động vốn đầu tư xây dựng công trình công cộng. Năm 1999, Thủ tướng có quyết định giao 340ha đất của khu vực này cho Công ty Đầu tư xây dựng Bình Chánh xây dựng khu sinh thái văn hóa.
Đến năm 2002, dự án trên “đổi chủ” lần nữa khi UBND TP giao Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn làm chủ đầu tư. Đơn vị này nghiên cứu dự án, kêu gọi đầu tư, tìm đối tác, kiểm kê nhà đất của dân… trong sáu năm.
Đến năm 2008, đơn vị này xin UBND TP được liên doanh với một công ty nước ngoài (Công ty C&T) thành lập Công ty cổ phần sinh thái văn hóa Vĩnh Lộc để thực hiện dự án. Đầu tháng 9-2010, UBND TP có văn bản cho phép liên doanh nhưng phía Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn phải giữ mức vốn chi phối (khoảng 60% vốn). Ngay sau đó, liên doanh trên xin tạm ngưng thực hiện dự án.
Đầu năm 2011, UBND TP có quyết định thu hồi gần 340ha đất mà Thủ tướng đã giao cho Công ty Đầu tư xây dựng Bình Chánh vào năm 1999 do chủ đầu tư chậm triển khai dự án. Theo UBND huyện Bình Chánh, khu vực trên hiện nay vẫn được quy hoạch là đất công viên, không thể điều chỉnh chức năng khác.
Đây là dự án “treo” kéo dài khiến người dân mệt mỏi, khiếu nại đến nhiều cơ quan chức năng. Nhiều người dân mua đất, xây nhà không phép sau ngày 1-7-2004 (thời điểm Luật xây dựng có hiệu lực) nên không được cấp số nhà, đăng ký hộ khẩu… Hiện nay, người dân muốn Nhà nước triển khai dự án sớm và được tái định cư tại chỗ.
Qua 14 năm thực hiện dự án, các chủ đầu tư mới thu hồi được 11/340ha đất. Theo kiểm kê của Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn, năm 2002 khu vực dự án có 284 căn nhà, nhưng đến năm 2011 khu vực này có hơn 900 hộ gia đình, số nhà cũng tương đương. Riêng địa bàn xã Vĩnh Lộc B, từ 150 căn nhà có trong thời gian mới quy hoạch nay đã phát sinh thêm hơn 200 căn. Nhiều khu vực ở xã Vĩnh Lộc B, Vĩnh Lộc A phát sinh nhà xây dựng không phép, nhà “mọc” sau một đêm… mà đến nay UBND xã vẫn chưa thể tháo dỡ hết.
Tạm cư 7 năm
Sáng 13-9, đoàn đại biểu HĐND TP cũng đi khảo sát về tiến độ thực hiện dự án khu đô thị mới Đông Tăng Long tại hai phường Long Trường và Trường Thạnh (Q.9). Dự án này có diện tích khoảng 160ha, được phê duyệt quy hoạch 1/500 từ năm 2004 nhưng thực tế chủ đầu tư (Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị) đã thương lượng, bồi thường cho dân từ trước đó. Đến nay, còn 75 hộ dân (6,85ha) trong dự án chưa di dời do các hộ dân không đồng ý giá bồi thường và không đủ điều kiện tái định cư.
Hiện nay, ngoài việc bồi thường, hỗ trợ dân theo phương án đã được duyệt, UBND Q.9 yêu cầu chủ đầu tư có phương án hỗ trợ thêm cho các hộ bị thu hồi đất. Theo UBND Q.9, hiện còn 126 hộ dân bị thu hồi đất phải tạm cư từ năm 2005 đến nay. Tháng 7 vừa qua, chủ đầu tư đã giao nền đất tái định cư cho 49 hộ, số hộ còn lại chưa biết đến khi nào mới nhận được nền tái định cư.
Đoàn đại biểu HĐND TP cho biết chưa hài lòng với những thông tin do UBND Q.9 cung cấp, bởi quận này chưa nêu ra được lý do chậm trễ trong việc bồi thường giải phóng mặt bằng và bố trí tái định cư các hộ dân bị thu hồi đất. Ông Phạm Văn Đông, trưởng Ban kinh tế – ngân sách HĐND TP, đề nghị UBND Q.9 phải báo cáo lại và phải chỉ ra được đơn vị, cá nhân chịu trách nhiệm chính trong việc chậm trễ này.
Lấy ý kiến quy hoạch khu dân cư P.27, Q.Bình ThạnhUBND TP.HCM vừa duyệt quy hoạch khu dân cư P.27, Q.Bình Thạnh. UBND TP yêu cầu các đơn vị liên quan lấy ý kiến của cộng đồng dân cư liên quan đến đồ án quy hoạch trên. Diện tích của khu vực quy hoạch là 85ha (tính tròn), được chia làm hai khu. Khu thứ nhất nằm phía bắc đường Bình Quới, giới hạn bởi kênh Thanh Đa, sông Sài Gòn và ranh P.28 (42,24ha, dân số dự kiến 21.000-25.000 người). Khu thứ hai nằm phía nam đường Bình Quới, giới hạn bởi kênh Thanh Đa, sông Sài Gòn và ranh P.28 (42,75ha, dân số dự kiến 12.000-16.000 người). Cả hai khu quy hoạch có tầng cao 3-35 tầng. Theo định hướng, các khu nhà ở hiện hữu giữ lại cải tạo tại các khu vực dọc đường số 12, số 14, đường Bình Quới và Thanh Đa. Xây dựng các khu dân cư cao tầng mới tại các khu chung cư lô số và lô chữ hiện đã xuống cấp trầm trọng theo hướng tăng tầng cao, giảm mật độ xây dựng, tăng tỉ lệ cây xanh và giao thông nội bộ… |
(Theo Tuổi trẻ)