Làng đại học “treo” suốt 15 năm năm 2020

Không chỉ bỏ hoang ruộng, suốt 15 năm sống trong vùng quy hoạch làng ĐH Đà Nẵng là nỗi ám ảnh nặng nề của hàng ngàn người dân nơi đây.

Dự án làng đại học (ĐH) Đà Nẵng được phê duyệt từ năm 1997 với diện tích 300ha. Nhưng 15 năm qua, dự án này chỉ thi công phập phù rồi “treo” khiến hàng ngàn người dân phải lao đao. Dự án này ảnh hưởng trực tiếp đến gần 2.000 người dân ở xã Điện Ngọc (huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) và phường Hòa Quý, Hòa Hải (quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng).
Đà Nẵng: Làng đại học “treo” suốt 15 năm | ảnh 1
Nhà của bà Phạm Thị Thêm (P.Hòa Quý, Q.Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) bị xuống cấp trầm trọng nhưng do nằm trong vùng dự án “treo” nên thủ tục sửa chữa rất khó khăn.

“Mỗi lần ra ruộng là ứa nước mắt”

Dẫn chúng tôi ra cánh đồng và mảnh vườn rộng gần 1.000m2, bà Lê Thị Tam (80 tuổi, thôn Hải An, phường Hòa Quý) ngồi bệt xuống bờ nhìn ra đám lau lách mà thốt lên như vậy. Bà Tam cho biết từ bao đời nay, gia đình bà gắn bó với cánh đồng lúa Hải An. “Thế rồi cách đây mấy năm người ta nói thu hồi đất để làm làng ĐH. Tui nghĩ chủ trương của trên thì mình chấp hành và giao đất lại – nói đến đây bà Tam thở dài – Vậy mà một năm, hai năm, rồi miết không thấy người ta làm gì. Ruộng lúa, vườn rau nhà tui để cho cỏ dại mọc um. Mình là nông dân, nhìn thấy đất đai bỏ hoang mà xót xa”.

Mấy năm gần đây có vợ chồng anh Nguyễn Văn Hảo (phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn) cũng là nhà nông chính gốc gặp bà Tam ngỏ ý xin được tận dụng canh tác trên đất mà bà bị thu hồi nhưng chưa làm dự án. Anh Hảo tâm sự gia đình anh có hơn 1.000m2 đất nông nghiệp đã bị thu hồi để xây khu đô thị. Ba đời làm nông nên rời mảnh ruộng vợ chồng anh chỉ biết bó gối. “Tui nghe nói ở Hòa Quý có dự án treo hơn chục năm nên đánh liều vô đây tận dụng đất trồng rau. Tui chỉ trồng mấy loại rau ngắn ngày chứ không dám làm nhiều. Lỡ đùng một cái người ta thu hồi thì công toi” – anh Hảo tâm sự. Còn bà Tam nói: “Có người xin làm tui cũng đỡ xót hơn là để đất bị bỏ hoang”. Cũng nhờ những người ở Hòa Quý như bà Tam mà hàng chục nông dân như anh Hảo đã tìm đến khu quy hoạch “treo” làng ĐH để tận dụng canh tác.

Không chỉ bỏ hoang ruộng, suốt 15 năm sống trong vùng quy hoạch làng ĐH Đà Nẵng là nỗi ám ảnh của hàng ngàn người dân nơi đây. Bà Phạm Thị Thêm (thôn Hải An, phường Hòa Quý) cũng như nhiều người dân khác ở đây phải sống trong căn nhà cấp 4 xiêu vẹo. Mái tôn gỉ sét, loang lổ nên bà phải che nilông trong nhà để hứng nước khi trời mưa. Còn cánh cửa bị mục nát, bà chằng thêm hai cây tre để chống chọi trong những ngày mưa gió. “Ở vùng quy hoạch không được xây, sửa chi nên nhà cửa rệu rã hết rồi. Mùa mưa bão tới chắc phải đi nơi khác chứ không dám ở trong nhà” – bà Thêm buồn bã nói.

Theo một cán bộ phường Hòa Quý, đất đai của mỗi hộ dân ở vùng dự án này rộng cả trăm đến ngàn mét vuông. Nhưng nhiều gia đình muốn bán đất, tách thửa làm sổ đỏ cho con cái ra ở riêng đều không thực hiện được. “15 năm qua, kinh tế của phường Hòa Quý đi lên thấy rõ. Chỉ riêng đời sống của dân ở dự án làng ĐH thì đang đi xuống thôi” – vị cán bộ phường chua xót nói.

Ông Nguyễn Đức – phó chủ tịch UBND phường Hòa Quý – cho biết để linh hoạt giúp dân đỡ khổ, địa phương đã tạo điều kiện cho một số gia đình được sửa chữa nhà xuống cấp, nhưng vẫn chưa thể an cư cho dân. Việc dự án “treo” 15 năm qua khiến chính quyền địa phương cũng khổ lây khi không quản nổi việc nhập cư ở vùng giải tỏa do số lượng người đến, đi liên tục thay đổi.

Do thiếu vốn

Dự án làng ĐH Đà Nẵng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 3-1997 với diện tích 300ha. Theo PGS.TS Trần Văn Nam – giám đốc ĐH Đà Nẵng (đơn vị chủ đầu tư của dự án), dự án làng ĐH Đà Nẵng sẽ tập trung các trường thành viên của ĐH Đà Nẵng quy tụ về đây, cùng với đó là hệ thống khép kín với các khu thư viện, thí nghiệm, thể thao, ký túc xá… “Làng” sẽ là trung tâm đào tạo nhân lực cho miền Trung – Tây Nguyên và sẽ hình thành như một làng “trí tuệ”. Thế nhưng 15 năm trôi qua, làng này mới xây dựng được một trường cao đẳng và một ký túc xá sinh viên.

Ông Nam cho biết dự án chậm trễ là do nguồn vốn bị thiếu hụt nghiêm trọng. Kinh phí thực hiện dự án này khoảng 10.000 tỉ đồng (đơn giá năm 1997) nhưng mỗi năm Chính phủ chỉ đầu tư được vài chục tỉ đồng nên không thấm vào đâu so với dự án khổng lồ này. Với số tiền đầu tư như vậy, ĐH Đà Nẵng chỉ có thể làm cầm chừng một vài hạng mục trong năm.

“Hiện ĐH Đà Nẵng đang kiến nghị Bộ Giáo dục – đào tạo, Chính phủ đầu tư kinh phí cho dự án này. Chúng tôi cũng đang huy động các nguồn vốn khác để triển khai dự án tốt nhất có thể” – ông Nam cho hay.

(Theo Tuổi trẻ)