Lúng túng giải quyết đất dịch vụ cho dân tại huyện Mê Linh năm 2020

Gần 7 năm nay, hàng nghìn hộ dân có diện tích đất nằm trong các dự án thuộc huyện Mê Linh yên tâm tin tưởng khi bị thu hồi đất nông nghiệp sẽ được cấp đất dịch vụ theo quy định của Chính phủ để nhanh chóng ổn định cuộc sống.

Tuy nhiên, nhiều năm trôi qua, người dân vẫn chưa được cấp đất dịch vụ. Tại sao có tình trạng này?
Lúng túng giải quyết đất dịch vụ cho dân tại huyện Mê Linh | ảnh 1
Nhiều KCN ở huyện Mê Linh đã hoàn thành và đưa vào sử dụng nhưng người dân vẫn chưa được nhận đất đền bù.

Người dân huyện Mê Linh bị thu hồi đất nông nghiệp để xây dựng các khu công nghiệp, đô thị đang có những bức xúc giống nhau. Họ đều chưa được hưởng chính sách giao đất sản xuất, kinh doanh dịch vụ phi nông nghiệp (đất dịch vụ) để từng bước ổn định cuộc sống. Những bức xúc đã nảy sinh thành xung đột giữa người dân và đơn vị thực hiện dự án. Mới đây, tại xã Thanh Lâm, khi chủ đầu tư thi công các hạng mục hạ tầng kỹ thuật Khu biệt thự nhà vườn, thương mại và dịch vụ tổng hợp thì người dân có đất bị thu hồi đã ra ngăn cản. Người dân đòi hỏi phải giải quyết đất dịch vụ, họ mới để chủ đầu tư tiếp tục thực hiện dự án. Dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật và giải phóng mặt bằng Khu biệt thự nhà ở Minh Giang – Đầm tại xã Tiền Phong cũng chung số phận, đơn vị đang thi công dự án, hàng chục người dân ra ngăn cản, yêu cầu Nhà nước giải quyết đất dịch vụ họ được hưởng. Trưởng ban Giải phóng mặt bằng huyện Mê Linh Đào Trọng Phú than rằng, rất khổ mỗi khi phải tiếp xúc với dân về giải phóng mặt bằng. Vấn đề quan tâm hàng đầu hiện nay là bao giờ trả đất dịch vụ cho dân?

Thực tế, những năm trước đây, Mê Linh là huyện đi đầu trong phát triển công nghiệp. Huyện đã dành khá nhiều quỹ đất cho các dự án phi nông nghiệp với khoảng 2.556ha của hàng chục nghìn hộ dân. Phó trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Mê Linh Phạm Minh Giáp cho biết, ở một số xã, thị trấn như: Chi Đông, Quang Minh, Tiền Phong, Thanh Lâm… diện tích đất nông nghiệp chỉ còn khoảng 20-30% quỹ đất sản xuất.

Theo ông Giáp, trước khi sáp nhập về thành phố Hà Nội, năm 2004, UBND tỉnh Vĩnh Phúc ban hành Quyết định 2502 cam kết mỗi sào ruộng bị thu hồi sẽ được bố trí 10m2 và mỗi nhân khẩu tại thời điểm bị thu hồi đất được chia 2m2 đất dịch vụ. Cùng với việc này, tỉnh Vĩnh Phúc quy hoạch 21 khu đất (diện tích khoảng 200ha) để giải quyết đất dịch vụ cho dân bị thu hồi. Để cụ thể hóa chủ trương, tỉnh Vĩnh Phúc triển khai 5 dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật tại các thôn Gia Đồng, Gia Thượng, Gia Tân, Gia Trung, Gia Lạc thị trấn Quang Minh để thí điểm việc giao đất dịch vụ cho dân.

Đến nay, trong 5 dự án, đã có 2 dự án tại thôn Gia Lạc và Gia Đồng xây dựng xong hạ tầng kỹ thuật, 3 dự án còn lại đang trong quá trình giải phóng mặt bằng. Sau khi rà soát đối tượng, diện tích và thời điểm thu hồi đất của các hộ mới vỡ lẽ, một số diện tích bị thu hồi đất trước khi tỉnh Vĩnh Phúc ban hành QĐ 2502. Trong quyết định này nêu rất rõ có hiệu lực từ ngày ký, có nghĩa là hộ dân nào bị thu hồi trước đó sẽ không được bố trí đất dịch vụ. Trước những bức xúc từ phía người dân, huyện Mê Linh có văn bản báo cáo thành phố và được UBND thành phố chỉ đạo thực hiện theo QĐ 2502 của tỉnh Vĩnh Phúc. Trao đổi với PV Hànộimới, đại diện UBND huyện Mê Linh cho rằng, việc thực hiện theo QĐ 2502 của tỉnh Vĩnh Phúc trước đây là rất khó bởi người dân bị thu hồi đất trước khi có QĐ 2502 không đồng tình.

Khó khăn thứ hai là thiếu kinh phí xây dựng hạ tầng kỹ thuật các khu đất dịch vụ. Ông Lê Văn Khương, Giám đốc Ban Quản lý dự án xây dựng hạ tầng đất dịch vụ huyện Mê Linh cho biết, năm 2011, huyện Mê Linh được thành phố cân đối 78 tỷ đồng cho đầu tư xây dựng cơ bản và huyện chỉ thu tiền sử dụng đất được khoảng 78,5 tỷ đồng. Trong khi đó, kinh phí xây dựng hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật các khu đất dịch vụ cần khoảng 3.000 tỷ đồng. Huyện cũng đã tính đến phương án huy động nguồn kinh phí từ các hộ dân nhưng không khả thi vì người dân không có khả năng về tài chính.

Để giải quyết tình thế, mới đây, huyện Mê Linh đã gửi hàng loạt văn bản xin ý kiến thành phố cho phép lấy quỹ đất thương phẩm các dự án đô thị giao đất dịch vụ cho dân nhưng TP chưa có ý kiến chỉ đạo cụ thể. Hiện nay, một số ý kiến cho rằng, để giúp huyện Mê Linh tháo gỡ khó khăn trong việc cấp đất dịch vụ cho nhân dân, góp phần khơi thông công tác giải phóng mặt bằng trên địa bàn, huyện Mê Linh rất cần cơ chế cụ thể theo đặc thù của địa phương để từng bước tháo gỡ khó khăn.

(Theo HNM)