Mừng và lo sau điều chỉnh quy hoạch năm 2020

Tính đến thời điểm này, Tp.HCM đã hoàn thành việc phê duyệt gần 300 đồ án điều chỉnh và lập mới quy hoạch 1/2.000 của 24 quận, huyện. Người dân tại các khu vực được xóa quy hoạch “treo” vui mừng vì được khôi phục các quyền lợi hợp pháp về nhà đất.

Tuy nhiên, vẫn còn những vấn đề cần giải quyết: Nhiều khu vực mòn mỏi chờ được điều chỉnh quy hoạch; sau khi điều chỉnh quy hoạch, một số địa phương đã phải tạm ngưng cấp phép xây dựng, tách thửa, chuyển mục đích sử dụng.

Chờ được điều chỉnh quy hoạch

Xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh có diện tích nằm trọn trong khu B, thuộc khu Nam TP, được quy hoạch là khu đô thị xây dựng mới. Theo UBND xã Bình Hưng, trên địa bàn xã có 54 dự án thì có tới 42 dự án nằm trong ranh quy hoạch khu Nam đã có quyết định thu hồi đất (khoảng 60% số dự án có quyết định thu hồi đất trên năm năm). Lãnh đạo xã Bình Hưng cho biết trong năm 2013, TP đã xóa nhiều dự án chậm triển khai nhưng chủ yếu là các dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư, còn đa số các dự án có quyết định thu hồi đất (ảnh hưởng nhiều nhất đến quyền lợi của người dân) thì vẫn tiếp tục được triển khai.



Mừng và lo sau điều chỉnh quy hoạch năm 2020 2

Tại quận Gò Vấp, gần 400 hộ dân dọc theo tuyến đường Phạm Văn Đồng đang bị hạn chế xây dựng vì có những khu vực chuyển từ chức năng đất ở thành đất hỗn hợp

Dọc các trục đường Phạm Hùng, quốc lộ 50, do mật độ dân cư dày đặc nên việc bồi thường, giải phóng mặt bằng rất khó khăn. Cuối năm 2012, Ban Quản lý khu Nam phối hợp với huyện Bình Chánh và các sở, ngành đã đánh giá hiện trạng quy hoạch, các công trình hạ tầng kỹ thuật và đề xuất phương án quy hoạch dọc theo trục đường Lê Văn Lương, Phạm Hùng, quốc lộ 50 và An Phú Tây. Giữa năm 2013, khu Nam đề xuất giữ lại các khu vực hiện hữu tại đây để cải tạo và nâng cấp, chỉnh trang đô thị, song đến nay vẫn chưa được TP xem xét.

Còn nhiều rắc rối phát sinh

Sau khi điều chỉnh quy hoạch, một số địa phương đã phải tạm ngưng cấp phép xây dựng, tách thửa, chuyển mục đích sử dụng đất vì có những khu vực chuyển từ chức năng đất ở thành đất hỗn hợp. Một số địa phương cho hay do chưa có quy định cụ thể về việc cấp phép xây dựng trong khu vực chức năng hỗn hợp nên chưa dám giải quyết cho người dân.

Tại quận Gò Vấp, gần 400 hộ dân dọc theo tuyến đường Phạm Văn Đồng đang bị hạn chế xây dựng vì lý do này. Tháng 10/2013, quận Gò Vấp đã có văn bản gửi Sở QH-KT kiến nghị tháo gỡ. Trao đổi với Pháp Luật Tp.HCM, ông Lê Hoàng Hà, Phó Chủ tịch UBND quận Gò Vấp, cho biết mới đây quận đã giải quyết cấp phép xây dựng cho các hộ dân ở đây nhưng chủ yếu là giải quyết sửa chữa theo hiện trạng vì tuyến đường đang thực hiện thiết kế đô thị theo chỉ đạo của UBND TP.

Cuối tháng 11/2013, UBND quận 12 cũng có văn bản gửi Sở QH-KT đề nghị xem xét và hướng dẫn giải quyết việc chuyển mục đích sử dụng đất làm nhà ở riêng lẻ, cấp phép xây dựng, tách thửa tại những khu vực quy hoạch là đất hỗn hợp. Theo công văn của quận, sau khi điều chỉnh quy hoạch, quận 12 nhận được nhiều ý kiến, phản ảnh của người dân ảnh hưởng bởi quy hoạch này.


Hoan hỉ vì được khôi phục quyền lợi về nhà đất

Đầu tháng 11/2013, người dân hai phường Hiệp Thành và Thạnh Xuân, quận 12 vui mừng đón nhận thông tin điều chỉnh lại quy hoạch “treo” tồn tại đã hơn 10 năm. Ông Trần Ngọc Hổ, Chủ tịch UBND quận 12, cho biết phường Hiệp Thành có quy mô 215 ha được quy hoạch là khu vực dự trữ phát triển từ năm 1999, nay được điều chỉnh lại quy hoạch vừa có đất ở, đất công viên cây xanh, giao thông, giáo dục, y tế, đất hỗn hợp… Quyền lợi của người dân đã được giải phóng.


Biết thông tin, ông Trần Xuân Thịnh, 131/36 tổ 43A, khu phố 4, phường Hiệp Thành nhanh chóng liên hệ đo vẽ để làm hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận. Ông nói: “Chúng tôi rất phấn khởi bởi bao năm qua có nhà mà không có giấy tờ, muốn giao dịch, mua bán, thế chấp đều không được. Khu vực chúng tôi đa phần người dân chưa được cấp giấy chứng nhận, cả tháng nay bà con đang liên hệ cơ quan chức năng để làm thủ tục xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất”.