Sáng ngày 22/4, ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội đã chỉ đạo các cơ quan, ban ngành phải tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy triển khai một số dự án bất động sản (BĐS) có vốn FDI trên địa bàn thành phố.
Ông Phạm Văn Khương, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch – Đầu tư Hà Nội cho biết, trên địa bàn thành phố hiện có 144 dự án sử dụng đất có vốn FDI (không bao gồm các dự án đầu tư kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, các dự án thứ phát trong khu công nghiệp, khu công nghệ cao), tham gia trong nhiều lĩnh vực như: kinh doanh BĐS, khu đô thị nhà ở, khu thể thao, vui chơi giải trí, siêu thị, trung tâm thương mại, y tế, giáo dục và sản xuất chế biến, chế tạo, viễn thông, nông nghiệp…
Tuy nhiên, có 33 dự án vẫn còn chậm tiến độ do thị trường BĐS còn nhiều khó khăn, công tác giải phóng mặt bằng, bàn giao đất còn chậm; có dự án còn phải chờ điều chỉnh khớp nối hạ tầng hoặc chờ phê duyệt quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết; có dự án vướng về mặt bằng thi công xây dựng… Đó là chưa kể đến việc một số nhà đầu tư cũng chưa quyết liệt thực hiện dự án.
Cụ thể, trong tổng số 33 dự án chậm tiến độ thì có 12 dự án đang gặp khó khăn về quy hoạch; có 8 dự án gặp khó khăn về giải phóng mặt bằng và bàn giao đất; 13 dự án gặp khó khăn vì các nguyên nhân khác.
Làng Việt kiều châu Âu là dự án BĐS đang kiến nghị được giải quyết vướng mắc về hạ tầng |
Chủ đầu tư dự án khu đô thị chức năng Noble Vân Trì (Đông Anh – Hà Nội) cho biết, dự án này hiện đang phải chờ phê duyệt quy hoạch tổng thể nên bị chậm tiến độ của hạng mục nhà ở xã hội và trường học quốc tế. “Chúng tôi rất muốn được sớm triển khai dự án”, đại diện chủ đầu tư nói.
Đại diện Công ty SIH (đến từ Singapore), chủ đầu tư dự án tổ hợp Metrolis Hà Nội cho biết, hiện chính quyền thành phố đang chỉ đạo đẩy nhanh việc cấp giấy chứng nhận đầu tư cho dự án, tuy nhiên, vẫn cần nhiều thời gian cho các thủ tục về đất đai, xác định giá đất. Đại diện doanh nghiệp này kiến nghị: “Cho phép doanh nghiệp “đi tắt” một bước, nộp một khoản tiền thuê đất trước và được triển khai dự án. Sau khi hoàn thành thủ tục thì sẽ tính toán lại để nộp thêm tiền thuê hoặc nhận lại tiền thừa”.
Tại hội nghị, đã có 26 ý kiến trao đổi của đại diện các doanh nghiệp và lãnh đạo các sở, ngành thành phố.
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội cho rằng, việc đối thoại giữa chính quyền thành phố với các doanh nghiệp nhằm giải quyết khó khăn phải được thường xuyên tổ chức, kiên trì và được đặc biệt quan tâm.
“Hạn cuối là trước 30/5, các sở, ngành liên quan phải trả lời cho các doanh nghiệp phương án giải quyết những khó khăn, vướng mắc. Những vấn đề vượt thẩm quyền thì phải báo cáo lên thành phố để có phương án giải quyết”, ông Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh.
Đồng thời, thành phố cũng giao Sở Kế hoạch & Đầu tư lập đường dây nóng để tiếp nhận kiến nghị của doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ khó khăn.