Ông Đào Trung Chính, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý Đất đai (Bộ Tài nguyên & Môi trường) cho biết, theo quy định của Luật Đất đai năm 2013, mỗi hộ gia đình ở vùng Đông Nam bộ, Đồng bằng sông Cửu Long sẽ chỉ được giao tối đa 3ha đất trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thủy sản và đất làm muối.
Quy định này ở các tỉnh thành khác là không quá 2ha. Riêng với đất trồng cây lâu năm, mỗi hộ gia đình, cá nhân chỉ được giao tối đa 10 ha đối với các xã, phường, thị trấn ở đồng bằng; và tối đa 30ha với các xã, phường, thị trấn ở khu vực trung du, miền núi. Nếu hộ gia đình, cá nhân được giao nhiều loại đất bao gồm cả đất trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thủy sản và đất làm muối thì tổng hạn mức giao đất tối đa là 5ha.
Ông Đào Trung Chính, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý Đất đai |
Ông Chính cho rằng, trường hợp cá nhân, hộ gia đình hay tổ chức nào muốn sử dụng diện tích đất lớn hơn hạn mức cho phép để quy hoạch vùng nguyên liệu hay chuyên canh mẫu lớn thì có thể thuê thêm đất của người dân hoặc nhà nước. Ngoài ra cũng có thể sử dụng hình thức người dân có ruộng góp vốn bằng quyền sử dụng đất. “Với việc thuê đất, quy định không giới hạn diện tích được thuê nhằm khuyến khích phát triển nông nghiệp quy mô lớn”, ông Chính cho biết.
Tuy nhiên, ở một góc nhìn khác, ông Bùi Khắc Vư, Trưởng nhóm nghiên cứu các kiến nghị về đất đai của Liên minh Đất đai (LANDA) lại cho rằng, việc cho thuê đất hiện nay vẫn còn nhiều bất cập, đặc biệt là vấn đề thu tiền cho thuê đất, do đó những người muốn thuê đất vẫn gặp khó khăn. Nghị định 46/2014 về thu tiền cho thuê đất, thuê mặt nước cũng nêu quy định một số nhóm đối tượng được trả tiền thuê đất 1 lần hoặc hàng năm. Trong đó có một số nhóm chỉ được trả tiền hàng năm. Do đó nảy sinh nhiều trường hợp không có tiền trả tiền thuê đất lâu dài hoặc bắt buộc phải trả tiền thuê hàng năm rất dễ đối mặt với rủi ro về sự thay đổi trong chính sách thuế đất.
Ông Vư phân tích: Khi chính sách thuế đất có sự thay đổi, người thuê đất rất dễ đối mặt với rủi ro. Do đó việc đầu tư làm ăn lớn cũng sẽ bị hạn chế theo. Cũng theo vị chuyên gia này, việc cho thuê lại đất nông nghiệp hiện vẫn đang là vấn đề còn nhiều khúc mắc. Người thuê lại đất nông nghiệp nhưng sau đó muốn cho thuê lại một phần thì lại không có chính sách đi kèm. Các quy định trong luật thì có vẻ ổn nhưng thực tế khi triển khai lại nảy sinh nhiều khúc mắc. Kết quả khảo sát ở Bắc Giang, Cần Thơ của ông Vư cũng cho thấy có nhiều bất cập trong vấn đề này.