Quyết liệt để dân mua được nhà giá rẻ năm 2020

Sáng 16/1/2013, hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ kế hoạch năm 2013 ngành Xây dựng đã được tổ chức tại Hà Nội và 63 điểm đầu cầu tại các tỉnh trong cả nước. Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng chủ trì hội nghị.


Theo nhận định của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng, năm 2013 sẽ là một năm ngành xây dựng tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, thậm chí có những khó khăn ở mức sâu sắc. Đây là những dư âm từ khó khăn của năm 2012 đem lại.

Đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, nhà thu nhập thấp

Mục tiêu của ngành xây dựng đặt ra cho năm 2013 là: Tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách trong các lĩnh vực của ngành, tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát trong đầu tư xây dựng nhất là đối với các dự án sử dụng vốn nhà nước, nâng cao hiệu quả đầu tư xây dựng, bảo đảm chất lượng công trình xây dựng;

 




Quyết liệt để dân mua được nhà giá rẻ năm 2020 2

Năm 2013, Bộ Xây dựng sẽ nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS,…

Đổi mới, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch; kiểm soát chặt chẽ các dự án phát triển đô thị theo quy hoạch, kế hoạch; tập trung giải quyết tình trạng đóng băng của thị trường bất động sản gắn với thực hiện chiến lược nhà ở quốc gia nhằm tăng nhanh diện tích nhà ở xã hội, nhà ở cho người có thu nhập thấp;

Nghiên cứu và tổ chức thực hiện các giải pháp nhằm thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp xây dựng; tái cấu trúc các doanh nghiệp ngành xây dựng…; tăng cường quản lý lĩnh vực vật liệu xây dựng; nâng cao hiệu quả hoạt động các đơn vị sự nghiệp, đẩy mạnh hợp tác quốc tế và thông tin tuyên truyền…”.

Trong số các chỉ tiêu cụ thể, đáng chú ý là giá trị sản xuất toàn ngành xây dựng khoảng trên 792.000 tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2012; tỷ lệ đô thị hóa 33%; diện tích bình quân nhà ở toàn quốc khoảng 20m2 sàn/người; tổng diện tích sàn nhà ở phấn đấu đạt khoảng 75 triệu m2; nhà ở xã hội khoảng 3 triệu m2; hỗ trợ cho khoảng 70.000 hộ gia đình người có công với cách mạng và 150.000 hộ nghèo khu vực nông thôn cải thiện chỗ ở;

Đồng thời, tổng giá trị sản lượng xi măng khoảng 56-57 triệu tấn, dự kiến dành cho xuất khẩu 9 triệu tấn; giá trị sản xuất kinh doanh năm 2013 của các doanh nghiệp thuộc Bộ Xây dựng dự kiến khoảng 161.872 tỷ đồng, bằng 102,2% so với năm 2012.

Năm 2012, tồn kho xi măng 650.000 tấn

Nhìn lại kết quả năm 2012 của ngành, Bộ Xây dựng cho biết, giá trị sản xuất xây dựng toàn ngành (theo giá hiện hành) đạt khoảng 720.170 tỷ đồng, tăng 9,6% so với năm 2011 (trong đó khu vực nhà nước đạt 112.918 tỷ đồng, khu vực ngoài nhà nước đạt 583.136 tỷ đồng, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 24.116 tỷ đồng); Tỷ lệ đô thị hóa 32%;

Diện tích bình quân nhà ở toàn quốc đạt khoảng 19,1 m2 sàn/người (năm 2011 đạt 18,3m2 sàn/người); Tổng diện tích sàn nhà ở đạt khoảng 75 triệu m2 sàn (trong đó: tại đô thị khoảng 35 triệu m2, tại nông thôn khoảng 40 triệu m2 sàn); diện tích nhà ở xã hội đạt khoảng 2,5 triệu m2; hỗ trợ khoảng 68.000 hộ nghèo cải thiện nhà ở;

Tỷ lệ phủ kín quy hoạch chung xây dựng đô thị đạt 100%; Tỷ lệ phủ kín quy hoạch chi tiết 1/2000 (quy hoạch phân khu) so với diện tích đất xây dựng đô thị trung bình đạt 55%; quy hoạch chi tiết đạt khoảng 25%; Tỷ lệ xã hoàn thành lập quy hoạch chung 68%; Tỷ lệ dân số đô thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung 78%; Tỷ lệ thu gom và xử lý rác thải tại khu vực đô thị 83,5%;

Tổng tiêu thụ sản phẩm xi măng toàn ngành đạt 53,6 triệu tấn; trong đó tiêu thụ xi măng nội địa khoảng 45,5 triệu tấn, xuất khẩu đạt 8,1 triệu tấn; tồn kho của cả nước đến cuối tháng 12/2012 là 2,75 triệu tấn, trong đó có 650.000 tấn xi măng và 2,1 triệu tấn clanke;

Giá trị sản xuất kinh doanh năm 2012 của các doanh nghiệp thuộc Bộ ước đạt 158.338,1 tỷ đồng, bằng 98,2% so với kế hoạch, bằng 94% so với năm 2011; thực hiện đầu tư ước đạt 18.928,7 tỷ đồng, bằng 91,05% so với kế hoạch.