Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng trao đổi với báo chí về một số vấn đề liên quan đến dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) được Quốc hội tổ chức lấy ý kiến tại Tp.HCM, chiều qua (ngày 7/5).
Thưa Bô trưởng, thực tế hiện nay giá nhà vẫn còn cao so với thu nhập của người dân. Vậy, Bộ trưởng có thể cho biết nguyên nhân và các giải pháp của Bộ Xây dựng nhằm làm giảm giá nhà?
Theo tôi, giá nhà của chúng ta hiện nay cao là do trong đó có tiền sử dụng đất. Thời gian qua, Bộ Xây dựng đã đề xuất đồng bộ các giải pháp trình Chính phủ để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản (BĐS).
Trong đó, một giải pháp rất cụ thể, đã làm và đang có sức sống và được đông đảo người dân chấp nhận đó là nhà ở xã hội. Nhà nước không thu tiền sử dụng đất thì nhà ở xã hội không thể có giá cao được. Bây giờ muốn thấp đi nữa thì phải tối ưu hóa thiết kế, thi công xây dựng, quy trình đầu tư xây dựng…để sản phẩm nhà ở xã hội rẻ hơn.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng. |
Nhà ở thương mại có giá cao là do phụ thuộc vào tiền sử dụng đất. Đồng thời lại phụ thuộc vào cung, cầu nên chúng ta phải có đủ sản phẩm phù hợp giữa cung và cầu thì giá sẽ hạ xuống. Còn nhà ở xã hội chúng ta phải khống chế về giá. Nhà nước hỗ trợ tiền sử dụng đất, lại hỗ trợ về thuế, đầu ra của sản phẩm rồi tín dụng ưu đãi…nên chắc chắn Nhà nước sẽ kiểm soát giá trần, do đó không sợ nhà ở xã hội có giá cao.
Một trong những điểm mới đáng chú ý đó là mở rộng việc cho phép các chủ đầu tư kinh doanh BĐS được cho thuê, cho thuê mua BĐS hình thành trong tương lai. Tuy nhiên khi đóng góp ý kiến cho dự thảo đã có những quan điểm có phần trái chiều. Ý kiến của Bộ trưởng về vấn đề này thế nào?
Luật hiện hành chưa cho phép việc này nên đã hạn chế khả năng huy động vốn, khai thác từng phần công trình của chủ đầu tư dự án cũng như chưa tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu thuê, thuê mua các loại BĐS này…Các tài sản hình thành trong tương lai, thứ nhất là được mua, thuê mua và người đầu tư được đem ra kinh doanh. Cái này hoàn toàn là hiện thực thôi.
Đúng là có ý kiến từ phía các tổ chức tín dụng về việc đề nghị không bảo lãnh cho hoạt động này. Theo tôi, việc các tổ chức tín dụng đứng ra bảo lãnh thì họ cũng chính là các nhà đầu tư. Một bên kinh doanh BĐS, một bên kinh doanh tiền tệ. Khi nhận thấy dự án tốt, sinh lời thì họ quyết định đầu tư…
Luật kinh doanh BĐS (sửa đổi) có nội dung bỏ quy định bắt buộc hoạt động giao dịch, kinh doanh BĐS phải qua sàn giao dịch. Bộ trưởng có thể nói rõ hơn về điều này?
Thời gian qua, chúng ta có sáng tạo là yêu cầu bắt buộc tổ chức, cá nhân kinh doanh BĐS khi bán, cho thuê, cho thuê mua BĐS phải thông qua sàn giao dịch BĐS. Nhưng đến nay bộc lộ những hạn chế trong giao dịch, đặc biệt là nó tạo ra một khâu trung gian mà đối với nhiều dự án, nhiều sản phẩm là không cần. Nó làm tăng chi phí cho khách hàng, người tiêu dùng… Mặt khác, thông lệ trên thế giới cũng không bắt buộc thông qua sàn giao dịch BĐS. Do đó việc bỏ quy định không bắt buộc thông qua sàn giao dịch BĐS đã được đưa vào dự thảo luật.
Thị trường BĐS thời gian qua đã những dấu hiệu khởi sắc. Vậy, Bộ trưởng nhìn nhận và đánh giá về điều này như thế nào?
Thời gian qua, hàng tồn kho BĐS giảm trong khi nguồn cung tăng mạnh, nhất là nguồn cung nhà ở xã hội. Nghĩa là cung mới thì tăng trong khi không có tồn kho. Điều đó thể hiện giao dịch BĐS tăng, lượng tồn kho giảm đi. Thứ hai, quan trọng trọng hơn là việc tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS đã đúng hướng.
Chúng ta đã chuyển phân khúc cao cấp dần sang phân khúc trung bình và thấp cho đối tượng là người có thu nhập trung bình, thu nhập thấp, phù hợp với đông đảo người dân, có nhu cầu về nhà ở và có khả năng thanh toán.Việc đi đúng hướng đã khơi thông được cả cầu và cung của thị trường BĐS, phù hợp với nhu cầu thực của nền kinh tế.
Từ những vấn đề này, có thể thấy thị trường đã có những dấu hiệu khởi sắc. Tuy nhiên, thị trường BĐS là một thị trường lớn, ảnh hưởng đến nền kinh tế, đặc biệt là liên quan đến đất đai, sử dụng và huy động rất nhiều tiền và những khó khăn của thị trường không thể giải quyết trong ngày một ngày hai. Trong khi đó, nền kinh tế của chúng ta nhỏ không như các nước phát triển nên chúng ta tháo gỡ khó khăn bằng chính sách là chủ yếu chứ không có tiền để “cứu” thị trường BĐS…
Trong các vấn đề khó khăn của thị trường, đáng chú ý là các dự án BĐS có quy mô lớn, đã cấp giấy phép từ lâu nhưng không triển khai, thực hiện… do chủ đầu tư không có khả năng thực hiện hoặc là do khu vực đó chưa phát triển, chưa có nhu cầu đối với sản phẩm BĐS đó nên một số nhà đầu tư có thể có điều kiện nhưng họ tính toán, cân nhắc chưa thực hiện dự án
Tôi cho rằng, phải rất thận trọng khi nhìn nhận, đánh giá các khía cạnh của thị trường BĐS. Một mặt kiên trì thực hiện những chính sách đã mang lại hiệu quả, mặt khác phải tiếp tục tìm kiếm các giải pháp mới, bổ sung, phù hợp với từng giai đoạn… Có như vậy mới góp phần tháo gỡ khó khăn cho thị trường, lành mạnh hóa thị trường và để thị trường phát triển đúng hướng.