Nối dài từ sông Sài Gòn với điểm đầu là Bến Bạch Đằng, dòng kênh Tàu Hủ và Bến Bình Đông là địa danh quen thuộc của người Sài Gòn hàng trăm
năm qua. Đây là bến thuyền thông thương sầm uất giữa Bến Bình Đông nay là khu vực quận 8 và Bình Tiên, Chợ Lớn ở quận 6, quận 5 bên kia con kênh.
Ngược dòng lịch sử về 300 năm trước, Bến Bình Đông một thời được gọi là “đại lộ Tàu Hủ” phồn vinh, nhộn nhịp với khung cảnh trên bến dưới thuyền
– biểu tượng của một Sài Gòn trù phú.
Khởi đầu, kênh Tàu Hủ chỉ là một con rạch nhỏ hẹp, thường xuyên bị bùn đất bồi lấp gây cản trở dòng chảy, khiến cho việc đi lại bằng ghe xuồng
gặp nhiều trắc trở. Mùa xuân Kỷ Mão năm 1819, vua Gia Long ra lệnh cải tạo, nạo vét, khơi thông dòng kênh. Khi hoàn thiện thì đặt tên là An Thông
Hà. Ngoài tên gọi An Thông Hà như sử chép, con kênh này còn được gọi là Kinh Mới hay rạch Chợ Lớn, sau được đổi tên thành kênh Tàu Hủ.
Sự thông thoáng của con kênh nhanh chóng thu hút đông đảo khách thương hồ từ khắp nơi đổ về làm ăn buôn bán. Trong Quốc triều chính biên
toát yếu, Cao Xuân Dục viết: “Đàng sông đã thông, thuyền bè qua lại đêm ngày, chỗ ấy thành một chỗ đô hội lợi ích cho dân lắm”.
Đầu thế kỷ 19 và 20, khi ngành công nghiệp thương mại của Sài Gòn bắt đầu phát triển mạnh, nhu cầu vận chuyển, trao đổi hàng hóa tăng cao, hai
bờ kênh Tàu Hủ được phát triển thành hai tuyến giao thông bộ. Hàng hóa chủ yếu là nông sản sau khi được các thương lái chuyển về Bến Bình Đông sẽ
được xe ngựa, xe bò… kéo về khu vực Chợ Lớn để phân phối lại. Một trong những mặt hàng trọng yếu được chính là lúa gạo. Lẽ đó mà khu vực này
còn được gọi là con đường lúa gạo tại Chợ Lớn.
Cùng với rạch Bến Nghé, kênh Tàu Hủ ra đời đã tạo thành một tuyến giao thương thủy lộ khép kín từ Tây sang Đông. Nhận thấy đây là địa điểm
thuận lợi để làm ăn sinh sống, khoảng nửa cuối thế kỷ 17, đầu thế kỷ 18, nhiều di dân người Hoa từ khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Cù Lao Phố
(Đồng Nai) đã giong thuyền về đây khai hoang lập ấp. Tuân thủ triệt để câu “nhất cận thị, nhị cận giang”, di dân mở làng nghề, cửa hiệu làm ăn
buôn bán. Dòng kênh Tàu Hủ đã trở thành con đường giao thương huyết mạch, làm nên một Sài Gòn – Gia Định phồn vinh từ đó.
Trên đại lộ Tàu Hủ, thương khách chọn nơi neo đậu, tập kết là Bến Bình Đông tạo nên một khung cảnh trên bến dưới thuyền nhộn nhịp. Cùng với
các bến khác ở Sài Gòn xưa như Bến Thành, Bến Nghé, Bến Hàm Tử, Bến Chương Dương, Bến Bạch Đằng… trên các kênh rạch và sông Sài Gòn, Bến Bình
Đông trở thành cửa ngõ giao thông và giao thương quan trọng của đất Sài Gòn và các vùng lân cận, nhất là miền Tây Nam Bộ. Trong lịch sử, Bến Bình
Đông từng là trung tâm buôn bán nhộn nhịp nhất nhì Sài Gòn – Chợ Lớn.
Về sau, khi kênh Tàu Hủ không còn là trục đường huyết mạch vận chuyển nông sản, Bến Bình Đông mất vẻ tấp nập như xưa. Song nơi đây vẫn là điểm
đến và là nơi neo đậu của những con thuyền buôn bán từ miền Tây đến Sài Gòn. Những con thuyền này chủ yếu đến từ Long An, Tiền Giang, Bến Tre,
Vĩnh Long, Sóc Trăng, An Giang… với hàng hóa chính là trái cây. Mùa nào thức nấy, hầu hết các loại trái cây của miền Tây đều có mặt ở Bến Bình
Đông như chuối, mít, dừa, xoài, đu đủ, chôm chôm…
Cứ mỗi độ Tết về, Bến Bình Đông lại chuyển mình thành bến hoa rực rỡ, mang màu sắc, hương xuân đến mọi nhà. Người dân Sài Gòn không còn lạ với
không khí đón Tết náo nhiệt, nhộn nhịp nơi đây. Mỗi khi vừa cúng tiễn ông Táo về trời vào 23 tháng Chạp, nhà nhà người người nô nức đi chợ hoa
Bình Đông, chọn những chậu mai, cúc vàng rực, mong một năm mới an lành, phát tài. Bến Bình Đông từ đó được gọi bằng bến hoa hay bến xuân.
Người Sài Gòn đi chợ hoa Bình Đông không chỉ chọn hoa trên bờ, mà còn được trải nghiệm mua hoa ngay dưới thuyền nổi. Đi chợ hoa trên bến dưới
thuyền ở bến Bình Đông là cơ hội thưởng ngoạn không khí Tết, một nét văn hóa miệt vườn hiếm có.
“Mỗi khi Tết đến, thuyền tàu tận Sa Đéc, Chợ Gạo, Cái Mơn… chở hoa lên phủ kín mặt sông, trải dài hàng cây số. Cả vùng này sẽ thành vườn hoa
khổng lồ với đủ màu sắc, người mua đông như nêm, vui lắm”, ông Hoàng, một cư dân ngụ trên đường Bình Đông kể.
Bên kia con kênh, đại lộ Võ Văn Kiệt hiện đại tinh tươm đã hiện diện. Trong khi đó, phía Bến Bình Đông đang được đầu tư mạnh mẽ cho dự án cải
tạo môi trường nước và chỉnh trang đô thị. Bờ kè, thảm cỏ, những hàng cây xanh tạo diện mạo mới cho cung đường giàu tiềm năng phát triển. Những
giá trị văn hóa truyền thống về một Sài Gòn màu sắc, nhộn nhịp và thịnh vượng trên những chiếc thuyền hoa xuôi dòng, neo đậu san sát bến hoa luôn
là ký ức tươi đẹp mỗi dịp Tết về trên Bến Bình Đông.
Trong xu hướng phát triển chung của thành phố, những lưu vực ven các kênh, rạch sẽ tiếp tục được chỉnh trang, cải tạo để khoác lên mình “tấm
áo mới” hiện đại hơn. Đây là một trong những cơ sở quan trọng góp phần thay đổi diện mạo các con đường ven kênh nói chung và Bến Bình Đông nói
riêng, tạo nền tảng thu hút đầu tư bất động sản, kiến tạo những không gian sống chất lượng cao cho cư dân thành phố.
Từ năm 2001-2013, dự án xử lý ô nhiễm cho lưu vực Bắc kênh Tàu Hủ – Bến Nghé thuộc các quận 1, 3, 4 và 5 đã hoàn tất giai đoạn một. Sau hơn 10
năm thực hiện, việc cải tạo, nạo vét thông thoáng hoàn thiện. Hai bên bờ kênh cũng được phủ xanh, các tuyến đường được mở rộng, lát gạch chỉn
chu, đèn đường chiếu sáng suốt đêm.
Từ đây đến năm 2025, chính quyền thành phố tiếp tục thực hiện lộ trình “gạn đục khơi trong” cho kênh Tàu Hủ, kênh Đôi, Kênh Tẻ (giai đoạn hai)
qua khu vực Bến Bình Đông và Bến Phú Định với tổng mức đầu tư hàng nghìn tỷ đồng. Cùng với đó, thành phố cũng sẽ tiếp tục triển khai việc chỉnh
trang đô thị hai bên bờ, hỗ trợ nhà tái định cư khang trang hơn cho cư dân sống tạm ven kênh.
Cú hích về một diện mạo mới hoàn toàn cho khu vực kênh Tàu Hủ, bến Bình Đông sẽ sớm được thực hiện. Đây được xem là đòn bẩy mang tính quyết
định cho sự phát triển của bất động sản đôi bờ.
Thực tế, ngay trên Bến Bình Đông hiện đã có một số dự án được triển khai nhưng số lượng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Riêng quý IV, dự kiến thị
trường khu vực này sẽ đón nhận sự ra mắt của dự án D-Aqua do DHA Corp phát triển.
Dự án tọa lạc trên mặt tiền đường Bình Đông, ngay khu vực bến hoa Tết quen thuộc. D-Aqua gồm hai block căn hộ, dự kiến cung ứng ra thị trường
khoảng 600 căn với mức giá vừa tầm, phù hợp với nhu cầu của người trẻ. D-Aqua còn sở hữu mô hình tuyến phố thương mại mở giữa thiên nhiên đầu
tiên trên khu vực. Tuyến phố này gồm các hoạt động dịch vụ, mua bán sầm uất đi kèm với chuỗi hoạt động giải trí đường phố nhộn nhịp đáp ứng nhu
cầu cư dân nội khu và người dân trong khu vực.
Đại diện DHA Corp còn cho biết, tuyến phố thương mại này được xây dựng hai bên bờ, quy hoạch dòng suối nhân tạo chính giữa nhằm tái hiện khung
cảnh phồn vinh một thời trên kênh Tàu Hủ.
“Khi Tết đến, phố thương mại này sẽ được “chuyển mình” thành một đường hoa rực rỡ, liên kết cùng Bến Hoa ngay phía trước mặt tiền dự án tạo
nên một khung cảnh mua sắm, du xuân nhộn nhịp”, đại diện đơn vị phát triển dự án nói.
Với sự tham gia của các nhà phát triển bất động sản giàu kinh nghiệm, Bến Bình Đông hứa hẹn một lần nữa khoác diện mạo mới sau hàng trăm năm
ghi dấu ấn trong lòng người Sài Gòn về một khu vực giao thương sầm uất trên bến dưới thuyền. Dù với diện mạo này, khu vực này vẫn mang giá trị vô
hình và vô giá về cảm thức sống trù phú và thịnh vượng ven con kênh đã trải qua hàng trăm năm thăng trầm cùng người dân thành phố.