Viện Nghiên cứu lập pháp (thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội) đã tổ chức Hội thảo góp ý dự thảo Luật Đất đai (LĐĐ) sửa đổi vào hôm qua, 7/3.
Nhà nước đang có quyền quá lớn
Theo TS Trần Du Lịch, lâu nay có sự nhầm lẫn, nhập nhằng về quyền của Nhà nước trong vai trò là đại diện chủ sở hữu và vai trò quản lý nhà nước. “Theo Điều 12 dự thảo LĐĐ, Nhà nước thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu như quyết định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Đó là quyền quản lý Nhà nước thế nhưng cứ bị nhập lại thành một”. TS Phạm Văn Võ (Trường ĐH Luật Tp.HCM) cho rằng do không tách biệt hai quyền này nên quyền lực của Nhà nước quá lớn. “Nhà nước định giá đất, quyết định thu hồi, tài phán khi bị khiếu nại và luôn cả quyền cưỡng chế” – ông nhận xét.
Thu hồi đất xây dựng dự án nhà ở tại khu Nam, huyện Bình Chánh, Tp.HCM. Ảnh: HTD |
TS Trần Kim Chung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, đặt vấn đề có nên sửa đổi quy định đất đai thuộc sở hữu toàn dân thành đất đai thuộc sở hữu quốc gia. “Nếu quy định đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu vậy thì Nhà nước phải được chủ sở hữu ủy quyền bằng công chứng về vai trò này” – ông bình luận. Ông Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp, cho biết đã từng có hội thảo về chủ đề này với sự tham gia của một tổ chức của Đức. Nhiều ý kiến cũng đặt vấn đề đất đai thuộc sở hữu toàn dân hay sở hữu nhà nước, hay sở hữu quốc gia. Sau đó, tổ chức của Đức cho rằng tại Việt Nam thì tốt nhất là quy định “đất đai thuộc sở hữu toàn dân”. Theo TS Trần Du Lịch, khái niệm quốc gia rộng hơn, bao gồm lãnh thổ, cộng đồng dân cư và nhà nước. “Tối kỵ quy định đất đai thuộc sở hữu nhà nước vì nó sẽ tập trung vào tay một nhóm người có quyền lực” – ông bày tỏ.
Khi đất là quyền tài sản: Phải tuyệt đối tôn trọng
TS Phạm Văn Võ cho rằng theo dự thảo Hiến pháp (cũng đang được lấy ý kiến), quyền sử dụng đất đã được khẳng định là quyền tài sản. Theo Bộ luật Dân sự, quyền tài sản cũng chính là tài sản, là đối tượng để chuyển nhượng. “Dự thảo Hiến pháp quy định tài sản hợp pháp của tổ chức cá nhân được Nhà nước thừa nhận, bảo hộ và không bị quốc hữu hóa. Trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia thì Nhà nước trưng mua hoặc trưng dụng có bồi thường theo giá thị trường. Do đó, dự thảo LĐĐ sửa đổi đưa việc thu hồi đất cho mục đích phát triển kinh tế là đi ngược xu hướng chung của thế giới, có biểu hiện vi phạm dự thảo Hiến pháp”, ông phân tích. Với lý lẽ trên, ông đề nghị bỏ trường hợp thu hồi đất cho mục đích “phát triển kinh tế”.
Cũng theo TS Võ, LĐĐ lâu nay không đề cập gì đến việc trưng mua tài sản trên đất mà coi giải tỏa tài sản có trên đất là hệ quả tất yếu của thu hồi đất. “Việc tước bỏ quyền sở hữu tài sản hợp pháp là thiếu căn cứ pháp lý, không thể chấp nhận, thể hiện sự không tôn trọng quyền sở hữu tài sản của người sử dụng đất cả về danh nghĩa lẫn việc đền bù theo nguyên tắc công bằng” – ông Võ góp ý. TS Trần Du Lịch cũng cho rằng mâu thuẫn trong việc quyền sử dụng đất đai là quyền tài sản với quyền được thu hồi đất cần phải được nghiên cứu kỹ.
TS Võ cho rằng dưới sức ép của giới doanh nghiệp nên Nghị định 84/2007 đã bổ sung rất nhiều trường hợp thu hồi đất với mục tiêu “phát triển kinh tế”. Theo ông, nghị định này gần như đã làm vô hiệu hóa quy định Nhà nước chỉ thu hồi đất cho dự án lớn phát triển kinh tế của Quốc hội mà LĐĐ 2003 đã quy định. Ngay cả mục tiêu “chỉnh trang đô thị” để thu hồi đất cũng cần làm rõ vì bất cứ dự án nào tại đô thị đều ít nhiều liên quan đến việc chỉnh trang đô thị. “Để khắc phục hạn chế này, dự thảo LĐĐ nên quy định rõ thu hồi đất để sử dụng vào mục đích lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng là thu hồi đất để sử dụng vào mục đích chung, phi lợi nhuận. Mọi trường hợp sử dụng đất vào mục đích kinh doanh đều coi là sử dụng đất vào mục tiêu phát triển kinh tế” – ông góp ý.
Tư hữu hóa đất đai sẽ nảy sinh phức tạp Ngày 7/3, HĐND TP Hà Nội đã tổ chức Hội nghị góp ý dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Trao đổi với báo chí về một số ý kiến đề nghị quy định đa dạng sở hữu đất đai (gồm cả sở hữu nhà nước và tư nhân), Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng vấn đề đất đai không chỉ thuần túy là vấn đề kinh tế còn là vấn đề chính trị xã hội. Do đó, quy định như trong dự thảo là hợp lý. Theo ông Lưu, lịch sử hình thành đất đai của Việt Nam đã trải qua các cuộc đấu tranh giành độc lập, bảo vệ Tổ quốc, trải qua nhiều thời kỳ rất khác nhau. Nếu tư hữu hóa đất đai hoặc chấp nhận nhiều hình thức sở hữu đất đai sẽ nảy sinh những phức tạp về mặt chính trị, xã hội. Do đó, cái chính là chúng ta phải bảo hộ, bảo vệ được quyền tài sản của người dân và phải xử lý được những bất cập, hạn chế của pháp luật hiện nay trong vấn đề thu hồi đất, đền bù giải phóng mặt bằng; vấn đề giá, chính sách tài chính về đất đai; cơ chế quản lý quy hoạch, kế hoạch đất đai. Qua đó, những tồn tại bất cập hiện nay sẽ dần được hạn chế. |