Việc thiếu nguồn vốn đầu tư, quy hoạch sau mâu thuẫn với quy hoạch trước… đó là những khó khăn trong xây dựng hạ tầng đất dịch vụ đền bù cho người dân ở huyện Hoài Đức.
Những vướng mắc này xem ra khó có thể giải quyết trong một sớm một chiều, có nghĩa là người dân nơi đây tiếp tục phải ngồi chờ đợi.
|
Nhiều xã ở huyện Hoài Đức gần như đã hết đất sản xuất nông nghiệp. |
Là huyện ven đô, Hoài Đức có tốc độ đô thị hóa nhanh, đến nay đã có 89/178 dự án quy hoạch đô thị, công nghiệp… được phê duyệt đã và đang triển khai thực hiện ở 12 xã, thị trấn với diện tích đất nông nghiệp thu hồi là 1.437ha. Nhiều xã như An Khánh, Vân Canh, Di Trạch, La Phù… gần như hết đất sản xuất nông nghiệp. Bà Trần Thị Én, Phó trưởng ban Giải phóng mặt bằng huyện Hoài Đức cho biết, theo quy định trước đây, các hộ dân không còn đất nông nghiệp, được đền bù đất dịch vụ bằng 10% diện tích đất bị thu hồi. Tính lũy kế, hiện nay huyện Hoài Đức có khoảng 16.340 hộ đủ điều kiện hưởng đất dịch vụ, trong đó có 14.063 hộ thuộc diện thu hồi trên 30% diện tích đất nông nghiệp, số hộ bị thu hồi nhỏ hơn hoặc bằng 30% diện tích đất nông nghiệp là 2.277.
Xác định đây là khối lượng công việc lớn, ảnh hưởng đến sinh kế của hàng nghìn hộ dân, huyện Hoài Đức đã xác định quỹ đất khoảng 245ha để xây dựng hạ tầng, bảo đảm đền bù dịch vụ cho dân xong trước tháng 6/2013 theo hạn định của TP Hà Nội. Đến thời điểm này, huyện Hoài Đức đã hoàn thiện thủ tục thu hồi đất của 17 dự án với diện tích 167,93ha, trong đó 5 dự án đang triển khai thi công, 12 dự án đang lập và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Gần 70ha cũng đã được UBND TP Hà Nội chấp thuận địa điểm xây dựng. Nếu 4 vị trí với diện tích 11ha tại các xã An Khánh, La Phù, thị trấn Trạm Trôi được chấp thuận địa điểm thì không còn lo thiếu đất dịch vụ đền bù cho dân.
Mặc dù cân đối được quỹ đất dịch vụ, nhưng do gặp khó khăn trong huy động nguồn vốn nên huyện Hoài Đức không có kinh phí để thực hiện các dự án này. Theo bà Trần Thị Én, ngoài kinh phí tạm thu tiền sử dụng đất của người dân và một số nguồn khác, Hoài Đức còn thiếu 1.020 tỷ đồng để đầu tư xây dựng các dự án đất dịch vụ. Một vấn đề không dễ giải quyết nữa khiến một số dự án đất dịch vụ đang triển khai nhưng phải tạm dừng vì quy hoạch phân khu đô thị S2, S3, S4 trên địa bàn huyện chưa đề cập tới các dự án đất dịch vụ thực hiện theo Nghị định 17 của Chính phủ. Do vậy, dẫn đến hiện tượng các quy hoạch chồng lấn lẫn nhau gây ra nhiều khó khăn và làm chậm tiến độ thực hiện các dự án.
Ông Phạm Văn Mạnh, Chủ tịch UBND xã Di trạch viện dẫn, theo hồ sơ thuyết minh tổng hợp quy hoạch phân khu, xã Di Trạch có khoảng 16ha đã được quy hoạch đất dịch vụ bị ảnh hưởng bởi trục Hồ Tây – Ba Vì và hồ nước, cây xanh nằm trong đồ án Khu đô thị Kim Chung – Di Trạch. Trong khi đó, tổng diện tích đất dịch vụ của xã này chỉ có gần 20ha. Việc các quy hoạch chồng lấn khiến lãnh đạo xã Di Trạch lo ngại không còn đủ đất dịch vụ để đền bù cho người dân bị thu hồi đất. Nhiều người dân tỏ ý bức xúc khi các dự án đất dịch vụ đã triển khai chậm chạp nay lại có nguy cơ không thể thực hiện được bởi… không còn đất theo quy hoạch. Không chỉ có xã Di Trạch, tình trạng quy hoạch chồng quy hoạch còn xảy ra đối với các dự án đất dịch vụ của các xã An Khánh, La Phù, Vân Canh, Lại Yên, thị trấn Trạm Trôi…
Trước những vấn đề nêu trên, UBND huyện Hoài Đức đã đề nghị TP Hà Nội không bố trí các khu chức năng không phù hợp với mục đích sử dụng đất tại các khu đất dịch vụ đã có quyết định thu hồi đất đang triển khai. Về nguồn vốn đầu tư, huyện Hoài Đức cũng mạnh dạn đề nghị UBND TP Hà Nội chấp thuận cho huyện được để lại 100% tiền sử dụng đất của các dự án đô thị nộp còn thiếu (844 tỷ đồng) và được vay vốn từ Quỹ Phát triển đất TP Hà Nội để thực hiện các dự án đất dịch vụ. Hoài Đức cũng đề xuất UBND TP Hà Nội cho phép quy hoạch một số khu đất để đấu giá nhằm chủ động ngân sách giải quyết các tồn tại về đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật đất dịch vụ.
(Theo HNM)