Xóa dự án “treo” lại chờ quy hoạch năm 2020

Sau khi xóa dự án “treo”, người dân nhiều khu vực tại Tp.HCM hết lo các quyền lợi về nhà đất, môi trường sống được cải thiện. Nhưng nỗi lo mới lại nảy sinh. Nhiều khu vực xóa dự án “treo” nhưng lại chờ chủ đầu tư mới khiến người dân không yên.

Chỉ là thay chủ đầu tư?

“Dự án cũ đã thu hồi, nhưng quy hoạch của khu vực này vẫn phải giữ để chờ chủ đầu tư mới” – một lãnh đạo UBND huyện Bình Chánh cho biết như vậy về dự án khu dân cư Phong Phú 2 thuộc xã Phong Phú được UBND Tp.HCM công bố xóa dự án “treo” trong năm 2013.

Tại ấp 3, xã Phong Phú sau gần một năm được công bố xóa dự án “treo”, người dân cho biết nay họ đã xin được giấy phép sửa nhà hoặc xây mới trên nền đất cũ. Nhiều hộ đang làm thủ tục cấp giấy chủ quyền nhà đất đại trà theo hướng dẫn của UBND xã. Nhà đang ở muốn bán đi một nửa cũng được cho phép, làm thủ tục qua công chứng đàng hoàng chứ không phải lén lút bán giấy tay như trước kia.



Xóa dự án "treo" lại chờ quy hoạch năm 2020 2
Khu phố 7, P.22, Q.Bình Thạnh tuy được xóa dự án “treo” nhưng thuộc quy hoạch đất dự án xây dựng mới

Tuy nhiên, câu chuyện về xóa dự án “treo” còn nhiều chuyện đáng nói. Ông Lại Phước Còn, tổ trưởng tổ nhân dân số 4, ấp 3, trầm ngâm: “Những khu vực bên ngoài đã đô thị hóa nên không có đường dẫn nước vô đồng tưới cho đất nông nghiệp để người dân trồng lúa, trồng màu. Hơn nữa, trong bốn năm dự án trên tồn tại, người dân bỏ bê ruộng vườn, chuẩn bị để di dời nên kênh mương thủy lợi nội đồng đã bị hư hao hết do không được tu bổ, nạo vét. Hiện tại, đất nông nghiệp ở khu vực này chỉ làm được một vụ “ăn nước trời” nên dân không đủ sống. Muốn làm trang trại chăn nuôi cũng không được.

Dân muốn bán đất để sống cũng không xong bởi đất này vẫn thuộc quy hoạch khu đô thị chờ có chủ đầu tư là lập lại dự án. Nhà nước cho bán nguyên thửa đất nông nghiệp chỉ để làm nông nghiệp chứ không được chuyển thành đất ở nên không ai dám mua”. Ông Còn cho biết hiện nay tuy chủ đầu tư cũ đã bị xóa dự án nhưng vẫn tiếp tục thỏa thuận mua đất của người dân thông qua người khác chứ không dứt bỏ hẳn dự án. Vì vậy, người dân e ngại dự án mới sẽ có nay mai nên không dám đầu tư lớn để làm nông.

Dự án khu dân cư Phong Phú 2 rộng hơn 127ha được UBND Tp.HCM chấp thuận địa điểm cho Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Bình Chánh tháng 5-2009, gia hạn một lần vào năm 2010. Đến tháng 5-2013, dự án trên mới được thỏa thuận bồi thường khoảng 48% và UBND Tp.HCM không cho gia hạn tiếp. Lãnh đạo UBND huyện Bình Chánh cũng khẳng định do khu vực trên có quy hoạch là khu đô thị mới nên người dân không được chuyển mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp thành đất ở, không được cấp phép xây dựng chính thức.

Còn quy hoạch

Tại P.22, Q.Bình Thạnh còn khoảng 8ha thuộc dự án khu đô thị thanh niên Văn Thánh được quy hoạch thành đất dự án xây dựng mới. Bà Nguyễn Thị Thanh N., một người dân có nhà trong hẻm 117 Ngô Tất Tố, P.22, cho rằng nhà bà vừa thoát dự án này lại vướng quy hoạch khác. Bà N. cho biết: “Cán bộ địa chính phường cho biết tôi chỉ được xây nhà theo quy mô diện tích hiện nay, nếu xây lớn hơn thì cũng được cấp giấy phép xây dựng nhiều nhất là ba tầng, nhưng phải làm cam kết không đòi bồi thường phần diện tích lớn hơn”.

Tương tự, nhiều khu vực đã được xóa dự án “treo” nhưng vẫn giữ quy hoạch là đất dự án xây dựng mới, khu hỗn hợp để chờ chủ đầu tư mới. Dự án khu phức hợp Đầm Sen (P.3, Q.11) tuy đã được xóa “treo” từ tháng 3/2012 nhưng vẫn giữ quy hoạch là đất phức hợp và Sở Xây dựng đang làm thủ tục để trao giấy phép đầu tư dự án này cho chủ đầu tư mới. Người dân nơi đây được cấp giấy chủ quyền nhà đất, được xây sửa nhà, được bán, chuyển nhượng. “Nhưng muốn xây nhà thì phải cam kết không yêu cầu bồi thường. Lần nào đi họp, Nhà nước cũng thông báo sắp có chủ đầu tư mới thì ai mà dại bỏ tiền ra xây nhà để không được bồi thường?” – một người dân ở đường Lạc Long Quân (P.3, Q.11) chia sẻ.

Trong khi đó, ông Nguyễn Hoàng Thái, phó chủ tịch UBND Q.11, cho rằng tuy đã thu hồi dự án nhưng quy hoạch của khu vực này thì vẫn phải giữ để xây dựng, phát triển đô thị. Nhà nước không thể xóa dự án, chuyển hết thành khu dân cư hiện hữu vì khu vực này hạ tầng rất tệ, không kết nối được với bên ngoài. Làm dự án mới, đưa người dân về khu dân cư mới thì đời sống của bà con sẽ được cải thiện.