Yêu cầu các địa phương tập trung cấp Giấy chứng nhận quyền SDĐ năm 2020

Tại Thông báo 204/TB-VPCP, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu trong hai năm (2014 – 2015), các địa phương tập trung các nguồn lực để thực hiện và hoàn thành cơ bản việc cấp đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở những nơi đã có bản đồ địa chính.

Theo kết quả tổng hợp từ các địa phương, đến nay cả nước đã cấp 41,6 triệu Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (GCN) với tổng diện tích 22,9 triệu ha, đạt 94,8% diện tích các loại đất đang sử dụng phải cấp GCN, trong đó 5 loại đất chính cả nước đã cấp được 40,7 triệu GCN với tổng diện tích 22,3 triệu ha, đạt 94,6% diện tích sử dụng cần cấp và đạt 94,6% số các trường hợp sử dụng đất đủ điều kiện cấp GCN.

Yêu cầu các địa phương tập trung cấp Giấy chứng nhận quyền SDĐ năm 2020 2

Một số địa phương đã hoàn thành cơ bản việc cấp GCN lần đầu nhưng xét riêng từng loại đất vẫn còn một số loại đạt thấp dưới 85% như: Đất chuyên dùng còn 29 địa phương; đất ở đô thị còn 15 địa phương; đất sản xuất nông nghiệp còn 11 địa phương; các loại đất ở nông thôn và đất lâm nghiệp còn 12 địa phương; một số địa phương có loại đất chính đạt kết quả cấp Giấy chứng nhận lần đầu thấp dưới 70% gồm: Lạng Sơn, Hà Nội, Bình Định, Kon Tum, TP. Hồ Chí Minh, Kiên Giang, Ninh Thuận và Hải Dương.

Để tăng cường quản lý đất đai, xây dựng hệ thống quản lý đất đai bền vững và bảo đảm tăng tỷ lệ cấp GCN đối với những địa phương có loại đất cấp GCN đạt thấp, Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương đẩy mạnh việc đo đạc lập bản đồ địa chính, cấp đổi GCN, xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai theo Nghị quyết số 39/2012/QH13 của Quốc hội; trong hai năm (2014 – 2015) ưu tiên tập trung các nguồn lực để thực hiện và hoàn thành cơ bản việc cấp đổi Giấy chứng nhận ở những nơi đã có bản đồ địa chính, đồng thời hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai cho mỗi tỉnh ít nhất một đơn vị cấp huyện để làm mẫu nhằm rút kinh nghiệm để triển khai diện rộng trong những năm tới.

Đồng thời rà soát tình hình sử dụng đất, xác định ranh giới, mốc giới và đo đạc lập bản đồ địa chính, giao đất, cấp GCN cho các công ty nông, lâm nghiệp để quản lý chặt chẽ việc sử dụng đất của các công ty và xử lý dứt điểm các tồn tại, vi phạm đất nông, lâm trường.

Xã hội hóa việc xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai:

Phó Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì hướng dẫn để các tổ chức trong nước đủ năng lực tham gia thực hiện hình thức xã hội hóa việc xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai tại các địa phương.

Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ Xây dựng và Tài chính thành lập đoàn kiểm tra việc cấp GCN tại các dự án phát triển nhà ở, nhất là ở các thành phố lớn nhằm tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy mạnh công tác cấp GCN đối với các dự án phát triển nhà ở.

Bộ Tài chính có trách nhiệm phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường rà soát nhu cầu kinh phí của các địa phương; báo cáo Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ bổ sung trong năm 2014 cho các địa phương có nhiều khó khăn để tiếp tục hoàn thành việc đo đạc, cấp GCN, xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính theo quy định.